Hoàn cảnh đáng thương mà chúng tôi nhắc tới là 3 anh em mồ côi Nguyễn Như Thông, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Trần Huy Phát ở ấp 3, xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tuổi thơ của 3 anh em này là chuỗi dài với bao nỗi cô đơn và bất hạnh.
Gia đình Thông trước ở trọ bên Bình Dương. Mẹ đi bán báo dạo, cha sửa xe đạp, Thông thì vừa học bổ túc vừa làm. Được 1 năm bà nội mất, chủ nhà không cho ở nữa nên gia đình em chuyển về xã An Viễn sinh sống. Ngỡ như cuộc sống của gia đình không còn biến cố gì nữa thì nỗi đau lại ập đến.
3 anh em Thông giờ đã mất hết đi người thân để nương tựa. Ảnh: Văn Tâm |
Cha của Thông vì căn bệnh tim đã ra đi sau đúng một năm bà nội mất. Nỗi đau mất cha chưa nguôi, gần một tháng sau, 3 anh em Thông lại chịu tang mất mẹ khi bà qua đời do căn bệnh tim quái ác để lại 3 đứa con bơ vơ, nhất là Sơn và Phát với nỗi hoảng loạn tột cùng.
Từ ngày những người thân lần lượt mất đi, mọi gánh nặng chồng lên vai người anh cả là Thông. Thông phải ngừng việc học bổ tục và đi làm thợ sửa máy tính với mức lương 1,8 triệu/tháng. Ngoài ra, em tranh thủ chạy xe ôm, chở hàng lúc rỗi việc.
Thương hoàn cảnh 3 anh em sớm côi cút nên thi thoảng bà con hàng xóm sang cho thùng mì, cân gạo, bịch bánh... Ba anh em Thông không chỉ thiếu ăn mà bố mẹ mất đi còn để lại một khoản nợ tiền chữa bệnh.
"Có người cảm thông, thương chúng em thì họ xí xóa nếu chỉ có vài trăm ngàn. Có người thì cho trả nợ dần. Em biết mình vay thì phải trả nhưng quả thật gia cảnh quá khó khăn, em không thể xoay đâu ra" – Thông kể.
Mọi gánh nặng đổ lên vai người anh cả là Thông. Ảnh Văn Tâm |
Thông vài lần liều mình lên TP.HCM để bán máu. Thông chia sẻ: "Cứ 1 tháng mới bán được 1 lần và xem như em kiếm thêm được phần thu nhập. Nhiều lần có người xúi đi bán thận đi sẽ có được nhiều tiền hơn. Túng quá, có lần em đã nghĩ tới việc đó. Nhưng qua tìm hiểu, em được biết khi mất đi một quả thận sức khỏe sẽ yếu đi nhiều, lỡ như sau này có vấn đề gì thì sẽ tốn kém hơn để điều trị. Rồi nếu lỡ chẳng may em có chuyện gì thì 2 em em sẽ ra sao? Em giờ là chỗ dựa duy nhất còn lại của hai em nên em bỏ qua ý định đó".
Dường như hiểu được sự khổ cực của anh mà 2 em Sơn và Phát cũng rất ngoan, biết tự chăm sóc cho bản thân, trông coi nhà cửa, rửa chén bát và cùng chơi với nhau. Hai em cũng kiếm thêm thu nhập hỗ trợ anh bằng những tờ vé số. Được mọi người thương mua giúp, ngày nào các em bán đắt cũng được 50 tờ, hôm nào ế cũng được 20 đến 30 tờ. Sơn và Phát cũng tự bảo nhau học hành chăm chỉ và học kỳ vừa rồi các em đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Đó cũng là niềm vui, nguồn động viên lớn nhất của Thông bây giờ.
Thông cho biết, nhớ ngày đầu mẹ mất, em bị hụt hẫng, tinh thần hoảng loạn tột cùng ngỡ như phải ngã quỵ trước những nghiệt ngã đớn đau, tưởng chừng không vực dậy nổi. Nhưng nhớ tới 2 em và nhất là sự động viên của mọi người, em phải cố gắng vượt qua, phải đứng vững để còn lo cho các em, để không phụ lòng của cha mẹ.
Những bữa mì tôm là thường xuyên với 3 anh em Thông. Ảnh: VT |
Không vì cuộc sống khó khăn, thiếu thốn mà Thông nghĩ quẩn. Em mưu sinh, vật lộn với cuộc sống bằng mọi nghề miễn sao đồng tiền em kiếm được là lương thiện. Em cũng tự nhủ lòng sẽ cố gắng thay cha mẹ lo cho các em thành người.
Thông cũng luôn lo sợ mình hoặc các em bị mắc phải căn bệnh giống bố mẹ vì biết căn bệnh tim có yếu tố di truyền. Thế nhưng giờ đến cái ăn 3 anh em Thông còn thiếu thì việc được đi khám bệnh là điều xa vời với các em.
Hiểu được hoàn cảnh 3 anh em Thông, chính quyền địa phương đã cử cán bộ thường xuyên quan tâm, chia sẻ. Tuy nhiên những khó khăn trong cuộc sống của 3 đứa trẻ này còn lắm chông gai, mong rằng sự sẻ chia của cộng đồng sẽ giúp các em vơi đi nỗi khốn khó khi không còn người thân nào để nương tựa.
Mọi sự giúp đỡ 3 anh em Nguyễn Như Thông - xin gửi về Mã số 485: Em Nguyễn Như Thông ở Ấp 3 xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai |
Tác giả: Văn Tâm
Nguồn tin: giadinh.net.vn