Số hóa

Người dùng Trung Quốc, Ấn Độ bị tấn công bởi tin nhắn rác

Nạn tấn công bằng tin nhắn rác trên điện thoại di động đang trở nên ngày một nghiêm trọng tai hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ thậm chí có thể cấm mạng di động và đàm thoại trên smartphone để loại trừ tin nhắn 'rác'.

Tại Trung Quốc, mặc dù đã quá quen với việc nhận được hàng loạt thư 'rác' trên iMessage, nhưng người dùng tại đây đang vô cùng bức xúc khi số lượng spam ngày một dày đặc và liên quan tới các chủ đề bị cấm như cờ bạc, cá độ.

Theo trang tin Abacus News, mạng xã hội Weibo tại Trung Quốc trong những ngày gần đây đã tràn ngập các dòng trạng thái và bình luận chỉ trích của người dùng sau khi bị tấn công bởi tin nhắn spam. Theo ghi nhận, các tin nhắn chủ yếu đến từ sòng bạc và liên kết đến nhiều tài khoản WeChat hoặc các trang web đáng ngờ.

Nhiều người dùng thậm chí đã gọi điện phản ánh lên các nhà mạng, tuy nhiên những đơn vị này lại không có quyền can thiệp vào tin nhắn trên iMessage - vốn là tính năng chỉ có trên iPhone và do Apple quản lý.

Còn Apple tính đến nay chỉ hỗ trợ người dùng ở mức "ngăn chặn" khi hướng dẫn cách chặn các đầu số và tài khoản email lạ thông qua một vài tùy chỉnh trên ứng dụng Messages. Tuy nhiên cách thức này là không mấy hiệu quả, khi mà hầu hết các spammer đều biết cách "qua mặt" hệ thống của Apple để thực hiện hành động của mình.

Tại Ấn Độ, người dùng cũng đang phải đối mặt với nạn tin nhắn rác "hoành hành" trong thời gian dài, với sự thiếu hợp tác và không hiệu quả từ các nhà mạng khiến cơ quan chính phủ đã phải vào cuộc. Cụ thể, Cơ quan quản lý dịch vụ viễn thông Ấn Độ (viết tắt là TRAI) yêu cầu mà nhà cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng tải xuống ứng dụng 'Không làm phiền'.

Với ứng dụng này, khách hàng có thể gửi báo cáo và liên hệ trực tiếp với các cơ quan chức năng khi điện thoại của họ nhận được các cuộc gọi spam và tin nhắn 'rác'. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng có thể sẽ gặp nhiều trở ngại khi Apple từ lâu đã từ chối cho phép các dịch vụ trên App Store có liên quan tới quyền riêng tư của người dùng.

Căng thẳng được đẩy lên cao trào khi TRAI tuyên bố trong trường hợp các công ty như Apple phản đối lại quyết định nêu trên, họ sẽ buộc các nhà mạng phải loại bỏ thiết bị đó ra khỏi mạng di động để khắc phục hoàn toàn tình trạng tin nhắn 'rác'.

Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, tất cả iPhone và iPad tại Ấn Độ sẽ mất đi khả năng truy cập vào 3G, 4G và tính năng đàm thoại.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok