Trong tỉnh

Người dân vùng lũ Thanh Hóa không đơn độc

Đường về các xã vẫn còn ngập sâu nhưng hàng cứu trợ được chia nhỏ, dùng thuyền đi phân phát đến từng hộ.

Mưa lớn cộng với việc 4 hồ thủy lợi Cửa Đạt, Yên Mỹ, Bái Thượng và xả lũ, đê sông Hoàng bị vỡ, khiến hàng ngàn hộ dân ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa bị ngập sâu trong lũ. Tuy nước đã bắt đầu rút nhưng đến hôm nay, nhiều xã như Tế Nông, Trung Chính, Tượng Sơn... vẫn còn ngập sâu, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Hàng cứu trợ được các địa phương chia nhỏ, dùng thuyền đi phân phát cho từng hộ.

Hàng cứu trợ đã về vùng lũ Thanh Hóa .

Đường về các xã Tế Nông, Trung Chính, Tượng Sơn huyện Nông Cống vẫn còn nhiều chỗ ngập nặng. Riêng xã Trung Chính bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Ngay đầu đường, Bí thư Đảng ủy Trung Chính Lê Xuân Hiểu đang cùng cán bộ xã xếp từng thùng mì, nước suối lên thuyền để chuyển vào bên trong xã cho dân.

Con đường độc đạo mấy hôm nay nước ngập sâu đến ngực, nên có việc gì cần thiết lắm, người dân mới thuê thuyền đi ra ngoài, còn thì ai ở nhà nấy, vì cứ thả chân là xuống nước, đường nào cũng ngập đến nửa người.

Bà Nguyễn Thị Cơi ở xã Trung Thành sang Trung Chính thăm con, gặp lụt mấy ngày không về nhà nói: “Hai ngày nay tôi không về được, hai bà cháu ăn mỳ tôm. Lâu lắm từ năm 2000 đến giờ mới chứng kiến trận lụt to như vậy. Năm 2000 cũng chỉ lụt ở ngõ thôi chưa vào nhà, nay là lụt to nhất”.

Anh Lê Cao Thành chưa hết bàng hoàng kể lại cảnh lũ lụt.

Bên kia đường, anh Lê Cao Thành ở thôn 7 thì co ro trên ghế, rít hút thuốc lào, mặt buồn rười rượi. Lũ lên nhanh quá, mấy sào cá đang lớn trôi sạch, mất trắng mấy chục triệu đồng. Cái tủ kính hằng ngày bán bánh mì, giờ được tận dụng để chứa mấy chục con cá trắm, cá chép vừa bắt được khi cá theo nước vào nhà. Trận lũ này, hàng chục hộ nuôi cá như anh đã trắng tay. Máy móc, nguyên liệu làm bánh mì của đôi vợ chồng trẻ mới gầy dựng mấy năm nay coi như đi tong: “Từ sáng mà đến trưa là lụt hết cả rồi không kịp chuyển đồ, nhà ngập 1 mét nước. Lò bánh mỳ của nhà là hư hỏng, máy phát điện cháy, nước ngập còn gì nữa đồ điện hỏng hết”.

Chuyển hàng cứu trợ cho dân.

Theo người dân nơi đây thì vài chục năm qua, giờ mới thấy trận lũ lớn thế này. Xã có 8 thôn với 1.300 hộ, trên 5.000 nhân khẩu hơn 1.100 hộ có nhà bị ngập sâu trong nước. Đến giờ thiệt hại tài sản chưa thể thống kê hết.

Mấy hôm nay, toàn bộ cán bộ xã, dân quân tự vệ, các thầy cô giáo… đều được chính quyền trưng dụng đi giúp dân. Mấy chuyến hàng cứu trợ đầu tiên từ tỉnh chuyển về phải chia nhỏ ra, cho lên thuyền, chuyển dần vào bên trong để phân phát cho từng hộ. Vì mấy ngày nay, nhiều nhà không nấu được cơm.

Bí thư Đảng ủy Bùi Xuân Hiểu nói: “Nhân dân chủ yếu là tự cung cấp nhu yếu phẩm trong gia đình, hàng cứu chợ sẽ cấp tới người dân, nước uống thì các hộ dân chủ yếu sử dụng bể nước mưa trong gia đình, giờ đi là để mua đồ sinh hoạt thì chỉ một số hộ cạnh quốc lộ 45 là có thể đi lại còn trên 1.000 hộ nằm sâu trong nước không thể đi lại được”.

Chưa thể nói nhiều về những dự định sắp tới như khôi phục sản xuất vụ đông xuân ra sao, rồi cấp giống cho dân chăn nuôi gia cầm gia súc, đắp bờ thả cá thế nào, nhưng nhìn cái cách quần soóc áo thun của ông Bí thư đảng ủy, của cô hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Thị Hạnh và nhiều cán bộ xã đội mưa, lội nước đẩy thuyền chuyển hàng trăm thùng mì ăn liền, dầu ăn, nước uống đến cho hàng ngàn hộ dân ở các thôn bị lũ cô lập, người dân vùng rốn lũ Trung Chính cũng phần nào cảm thấy ấm lòng vì họ không đơn độc trong việc chống chọi với những khó khăn do thiên tai gây ra../.

Tác giả: Vân Thiêng

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok