Trong tỉnh

Người dân nơm nớp sống dưới những ngôi nhà chờ sập giữa lòng thành phố

Nhiều năm qua, gần 200 hộ dân vùng ngoại đê sông Mã ở khu phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) thấp thỏm chờ dự án tái định cư (TĐC). Hằng ngày, họ sống khổ sở trong những căn nhà chật hẹp, dột nát, đối mặt với lũ lụt liên miên.

Theo tìm hiểu của PV, hàng chục năm nay, người dân khu phố Tiền Phong sống sát bờ đê ngoại sông Mã. Họ đa phần là người dân làng vạn chài thuộc các hợp tác xã vận tải đường sông chuyên vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến. Từ năm 1959, họ về đây cắm lều tạm, dần dần xây dựng nhà cửa, định cư lâu dài. Hầu hết những ngôi nhà ở đây từ lâu không được nâng cấp, sửa chữa, xây mới. Nhà mọc lên san sát, ẩm thấp, chật chội.

Người dân phố Tiền Phong phải sống dưới mái nhà dột nát, ẩm thấp

Khổ nhất là những hộ có nhà bị hư hỏng, con cái lấy vợ, lấy chồng muốn tách hộ cải tạo, xây dựng mới nhà cửa nhưng không được phép vì nằm trong vùng quy hoạch, phải giải tỏa, di dời. Người dân mong mỏi, chờ TĐC từ lâu, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chủ trương, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Nhiều hộ dân muốn bán nhà để chuyển đi nơi khác ở là điều không thể vì có bán cũng chẳng ai mua, mà muốn mua đất ở nơi ở khác cũng chẳng có tiền.

Không những thiếu thốn, khổ sở về nhà ở mà hàng trăm hộ dân khu phố Tiền Phong ở đây cũng chung cảnh chưa có nước sạch để sinh hoạt, mà chủ yếu người dân dùng nước giếng khoan và nước sông. Thêm vào đó, điện lưới cũng không đủ cho nhu cầu sử dụng của người dân. Trạm biến áp được xây dựng từ hàng chục năm nay, khi số hộ dân, nhân khẩu của tổ dân phố Tiền Phong ít hơn so với bây giờ. Không chỉ có con người sinh sôi, nhu cầu cuộc sống cũng tăng theo, nhiều nhà sắm tivi, tủ lạnh… khiến nhu cầu nguồn điện ngày một tăng.

Nhà ở san sát nhau đi lại rất khó khăn

Đời sống của người dân nơi đây còn bị ảnh hưởng sau nhiều lần đê ven sông Mã nâng cấp khiến mái đê giờ đây ngang với mái nhà của hàng chục gia đình. Những con đường xuống nhà dân giờ đây phải xây thêm hàng chục bậc thang lớn nhỏ, chẳng khác nào đường xuống mê cung.

Ông Bùi Xuân Lai, ở khu phố Tiền Phong lo lắng: “Cả khu phố này có gần 200 hộ dân nhưng đa số các hộ đều sống trong những ngôi nhà tạm bợ, ẩm thấp được xây dựng từ hàng chục năm nay. Đa phần những ngôi nhà đó có từ 3 đến 5 gia đình sống chung. Cuộc sống vô cùng khốn khổ vì chật chội, mưa lũ và thiếu điện, thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt và ăn uống. Mỗi mùa mưa lũ về hàng trăm nhân khẩu tất tả, í ới nhau khênh vác đồ đạc lên đê tránh mà xót xa khổ cực vô cùng”.

Mẹ Minh kể về những lần chạy nạn khi nước dâng cao

Mỗi khi muốn tới nhà ông Đào Công Kỳ, mọi người phải lách tránh nhau trong một con hẻm nhỏ, xe đạp, xe máy của người dân ở hẻm này cũng phải gửi bên ngoài vì không thể qua lại được. Chỉ tay lên dòng nước đang dột từ mái nhà xuống, ông Kỳ ngán ngẩm: “Nhà tôi làm đã lâu, cứ mỗi lần mưa xuống, nước dột chảy lênh láng khắp nơi nên trong nhà cũng như ngoài sân. Do không được tu sửa, các phụ kiện trong nhà bị ngấm nước, mục nát, tôi phải dùng 2 cây luồng chống đỡ vì sợ nhà bị sập bất cứ lúc nào.

Khi có mưa lớn, cả gia đình lên đê cắm bạt sống chờ nước rút mới về nhà. Bao nhiêu năm nay chính quyền đã xây dựng, phê duyệt hàng loạt dự án liên quan đến khu phố của chúng tôi nhưng rồi cũng chẳng thấy đâu. Cứ kiểu “đánh trống bỏ dùi” như thế này mãi thì dân chúng tôi sao mà chịu được? Nếu chính quyền quan tâm thì cho chúng tôi xây dựng, sửa sang nhà cửa. Còn không thì tái định cư cho chúng tôi đến một nơi ở mới để chúng tôi yên tâm làm ăn, sản xuất”.

Đã ngoài 90 tuổi, mẹ liệt sỹ Trần Thị Minh chỉ ước mong sao trước khi nhắm mắt xuôi tay được thấy các con, cháu, chắt không còn cảnh quanh năm chạy lũ. Cũng như nhiều nhà nơi đây, muốn vào nhà mẹ Minh phải luồn tránh hai bức tường cũ kỹ. Trong căn nhà được xây dựng từ những năm 1970, vài chục m2 có tới 5 gia đình, 16 nhân khẩu cùng sinh sống. Mẹ có 10 người con thì một người hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 3 người đã chết, những người còn lại lo chạy bữa từng ngày.

Mưa lớn là khu phố bị nhấn chìm dưới nước

Sự chật chội, bức bối là điều khó tránh khỏi. Mỗi năm ngôi nhà nhỏ này còn phải hứng chịu những trận mưa, bão, nước ngập quá nửa ngôi nhà. Họ phải chế các gác lửng để chuyển đồ lên trên cho khỏi bị ướt. Khi nước rút đi bùn đất đến gần 1m phủ lên tất cả, công cuộc dọn dẹp vô cùng vất vả và ẩm thấp. Càng đi sâu trong những con hẻm nhỏ vào phía sau bờ đê ngoại sông Mã mới thấy hết được sự chênh vênh trong những ngôi nhà nằm sát mép sông. Trong những ngôi nhà ấy, hàng chục người mỗi ngày oằn mình sống “chui rúc” và có thể bị con sông Mã hung dữ nuốt bất cứ lúc nào không hay.

Được biết, từ năm 2008 đến nay, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt 3 dự án liên quan đến khu phố Tiền Phong gồm: Dự án di dân để phòng tránh thiên tai, dự án tiêu úng Đông Sơn và dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Mã TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, các hộ dân thuộc diện di dời vẫn chưa được bố trí TĐC để ổn định đời sống và sản xuất.

Mới đây, UBND TP Thanh Hóa đã tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân khu phố Tiền Phong. Tại hội nghị, các hộ dân đã phản ánh thực tế cuộc sống với nhiều khó khăn, vất vả. Lãnh đạo thành phố đã ghi nhận ý kiến của người dân và cam kết sẽ sớm hoàn chỉnh phương án di dời người dân đến mặt bằng TĐC. Tuy nhiên, vẫn chưa có một phương án cụ thể, rõ ràng nào được đưa ra.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch UBND phường Nam Ngạn cho biết: “Khu phố Tiền Phong nằm ở ngoại đê cấp I, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề tự do, sông nước. Nhà cửa người dân chủ yếu là nhà cấp 4, không kiên cố, không có nước sạch để sinh hoạt, đường giao thông, cơ sở hạ tầng kém, mỗi khi mưa gió, lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn. Do phố Tiền Phong nằm trong vùng quy hoạch, địa phương và UBND TP Thanh Hóa đã nhiều lần báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin được di chuyển hơn 200 hộ dân này đến nơi ở mới, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Quỹ đất TĐC ở địa phương đã có, nhưng nguồn vốn để thực hiện dự án thì phải chờ vào nhà nước…”.

Vậy là những người dân nơi đây hằng ngày vẫn nơm nớp lo sợ, sống trong những ngôi nhà tồi tàn, sẵn sàng đổ xuống bất kỳ khi nào. Hy vọng về một tương lai bình yên dưới mái nhà kiên cố vẫn còn nằm trên giấy, chưa biết khi nào thành hiện thực.

Tác giả: Thanh Phương

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok