Đi dọc quốc lộ 10 qua huyện Hà Trung (Thanh Hóa), không khó để bắt gặp những đoàn xe tải nối đuôi nhau chạy ra từ những mỏ đất san lấp đang được khai thác trên địa bàn huyện. Bụi bay mù mịt cả một quãng đường dài. Tìm hiểu về câu chuyện ô nhiễm môi trường từ khai thác đất san lấp, chúng tôi nhận được nhiều cái lắc đầu ngao ngán của người dân. “Tui có biết kêu ai đâu”, cụ Trần Thị Xuân nói với chúng tôi.
(Cụ Xuân rùng mình kể lại những đêm xe chở đất quần thảo quanh nhà)
Rồi cụ Xuân (82 tuổi, sống trong lòng mỏ đất tại xã Hà Phú) dẫn chúng tôi vào tận mỏ đất, nơi mà căn nhà nhỏ xíu của cụ nằm lọt thỏm trong lòng mỏ đất san lấp này. Cụ Xuân cho hay, cụ vốn sống một mình, cách đây 13 năm cháu của cụ mời cụ về sinh sống tại ngôi nhà này. Suốt 13 năm, cụ sống một mình tại đây. Nhưng khoảng vài năm trở lại đây, khi mỏ đất san lấp ngay sau hồi nhà của cụ hoạt động khai thác, thì không đêm nào cụ ngủ yên giấc.
Mỏ đất đang tạm dừng hoạt động nhưng mỗi khi nhắc đến người dân đều rất lo lắng. |
“Xe, máy hoạt động cả đêm. Chạy ầm ầm tui không tài nào ngủ được. Nhưng nào biết kêu ai. Họ múc đất tạo thành cái hồ chứa nước rất lớn cạnh nhà tui. Đợt mưa vừa rồi nước ngập hết, ngập sang cả nhà nên tui phải kêu với chính quyền xã, họ mới cho máy múc khơi dòng nước để thoát ngập”, cụ Xuân chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, mỏ đất san lấp này vốn do một doanh nghiệp khai thác từ mấy năm trở lại đây, tuy nhiên đến giữa năm 2016 thì tạm dừng khai thác vì hết thời hạn khai thác. Những tưởng từ đây người dân sống quanh khu mỏ sẽ được trả lại không gian yên bình vốn có thì thời gian gần đây họ lại lo lắng khi biết có nhiều đơn vị đang nhảy vào xin giấy phép tiếp tục khai thác mỏ đất có diện tích nhiều ha này.
Lo lắng về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, người dân sống quanh khu mỏ đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng xem xét dừng cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, được biết hiện nay có một số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục xin cấp giấy phép và hiện đang chờ UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định.
Cụ Trần Thị Xuân (82 tuổi) chỉ về nơi những chiếc máy múc to như căn nhà của bà hoạt động suốt ngày đêm. |
Cũng là người sống cạnh khu mỏ từ nhiều năm nay, cụ Trần Thị Thơ (82 tuổi) sợ hãi, khép nép khi có tiếng người gõ cửa hỏi thăm. Dường như với cụ già ngoài 80 này, một tiếng động vừa đủ cũng khiến cụ giật mình. Cụ Thơ cho biết, tuổi đã cao lại sống một mình nên khi nghe tiếng động là cụ lại giật mình lo sợ. “Các con tôi lấy chồng xa cả, mỗi mình tôi sống ở đây. Khổ lắm”, cụ Thơ bắt đầu chia sẻ.
Nhắc đến việc khai thác mỏ đất san lấp ở đây, cụ Thơ sợ hãi kể lại, có những đêm cụ không thể nào ngủ được bởi tiếng xe chạy ầm ầm, tiếng máy múc gầm rú. “Nhà tôi còn bị nứt tường vì khai thác đất đấy. Nhiều khi cứ sợ nó sẽ sập. Tôi sống một mình, nhỡ làm sao thì...”, cụ Thơ gạt nước mắt thở dài.
Cùng chung nỗi lo lắng, ám ảnh như cụ Xuân, cụ Thơ nhiều người dân tại xóm 6 xã Hà Phú khi biết có doanh nghiệp đang xin cấp phép khai thác khu đất này đã cùng làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị không cấp phép khai thác.
Cụ Trần Thị Thơ (82 tuổi) gạt nước mắt khi nhắc đến việc khai thác ở mỏ đất sau lưng nhà bà. |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV một lãnh đạo của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hà Trung thẳng thắn chia sẻ, việc khai thác các mỏ đất san lấp trên địa bàn huyện gây ô nhiễm môi trường là có thật. Những phản ánh của người dân là có cơ sở. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện chỉ là đơn vị tham mưu, quản lý về mặt hành chính chứ không có quyền cấp phép hay không cấp phép việc khai thác này. “Nói thật, môi trường thì ô nhiễm. Đường sá xuống cấp vì xe tải chở đất đá chạy ầm ầm trong khi tiền thuế thu về từ việc này thì chẳng được là bao…”, vị này nói.
Trước những phản ánh của người dân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung. Ông Tuấn cho hay, về mỏ đất san lấp ở xóm 6 xã Hà Phú người dân có ý kiến về việc môi trường sống bị ảnh hưởng, nhất là tiếng ồn khi khai thác mỏ đất san lấp này.
Sau khi múc đất chở đi đã tạo thành những hồ nước khổng lồ trong lòng núi. |
Chính vì thế, khi có doanh nghiệp làm thủ tục xin cấp giấy phép khai thác đã gặp sự phản ứng của người dân. Về việc này, UBND huyện Hà Trung đã có ý kiến với UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan yêu cầu doanh nghiệp phải có khảo sát, nghiên cứu đầy đủ đánh giá các tác động môi trường đồng thời doanh nghiệp phải làm việc, thỏa thuận cũng như cam kết cụ thể với người dân thì mới xem xét cấp phép.
Theo ông Tuấn, UBND huyện Hà Trung không có thẩm quyền trong việc cấp phép thế nên chỉ có thể tham mưu ở UBND tỉnh như vậy.
Căn nhà bà Xuân nằm lọt thỏm giữa lòng mỏ. |
Tác giả: Hà Khê
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam