Bà Nguyễn Thị Thúy (thôn Trịnh Điện, xã Định Hải) cho biết: Tình trạng sạt lở sông Mã xảy ra suốt nhiều năm qua và 2 năm trở lại đây trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, năm nào xảy ra mưa lũ thì hàng trăm mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của người dân nằm sát bờ sông lại bị “hà bá” nuốt chửng. Mặc dù người dân đã trồng cỏ, hoa màu dọc theo bờ sông để chống xói lở nhưng không mấy khả quan. "Khoảng từ năm 2013, có Công ty Nam Lực được chính quyền cho khai thác cát, mỗi ngày thấy cả chục thuyền thi nhau cắm vòi xuống lòng sông hút cát, cứ vậy đất vườn, đất sản xuất tụt cả xuống sông. Cả xã có hơn 30 hộ sống ngoài sông, nếu cứ để tình trạng hút cát như thế thì nhà cửa của dân cũng có nguy cơ sạt cả xuống sông, gây ảnh huởng đến chân đê”, bà Thủy bức xúc.
Dọc tuyến sông Mã đi qua thôn Trịnh Điện, Trịnh Thôn, Ái Thôn... xã Định Hải, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng |
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc bờ sông Mã đi qua thôn Trịnh Điện, Trịnh Thôn, Ái Thôn… có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những hàm ếch lớn, những vách đất dựng đứng cao khoảng 4 - 6 m chênh vênh có nguy cơ đổ sập xuống phía dưới lòng sông Mã bất cứ lúc nào. Được biết, xã Định Hải có khoảng 26 ha đất bãi bồi phù sa dọc bờ sông Mã thuộc các thôn Trịnh Điện, Thịnh Thôn, Ái Thôn, Duyên Lộc. Riêng thôn Trịnh Điện có trên 8 ha đất bãi bồi. Nhưng tình trạng khai thác cát tràn lan diễn ra rầm rộ khiến cho hàng trăm mét bờ sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, nhà cửa của nhân dân. Tình trạng sụt lở đất bờ sông Mã nặng nhất vẫn là thôn Trịnh Điện, có đoạn dài cả trăm mét, sâu 30-40 m.
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông, ông Trịnh Văn Năm bức xúc cho biết: "Bãi cát nhà ông Thiều được cấp phép đã hết rồi, giờ họ hút vào đất nông nghiệp của dân sâu đến 30-40m, thậm chí có nơi đến 70m. Khi dân phát hiện báo chính quyền tới thì thuyền lại kéo ra giữa dòng, khi chính quyền đi thì họ lại quay lại. Chúng tôi nhiều lần phản ánh sự việc với xã, huyện, thậm chí kéo cả lên xã phản đối nhưng tình trạng khai thác cát gây sạt lở đất bãi bồi của người dân vẫn diễn ra, khiến chúng tôi rất lo lắng”, ông Năm cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Đông Lê Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hải xác nhận, khu vực khai thác cát mà nhân dân phản ánh thuộc địa bàn thôn Trịnh Điện và Trịnh Thôn thuộc mỏ cát số 54, được tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho công ty TNHH Nam Lực (đóng trên địa bàn xã Định Hải) và hiện nhiều đoạn trên sông Mã có tình trạng sạt lở đúng như người dân phản ánh. “Việc bà con cho là thuyền hút cát làm sạt lở sông, mất đất sản xuất nhưng sạt trong phạm vi họ được cấp phép. Họ được khai thác đến năm 2023 mới hết hạn. Khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã làm tờ trình lên huyện, sau đó liên ngành đã về kiểm tra. Cách đây mấy ngày cũng có đoàn liên ngành về kiểm tra và vẫn kết luận công ty Nam Lực chưa ảnh hưởng đến vị trí ngoài cấp phép” – ông Khoa nói.
Trong khi ông Đồng Hữu Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Định Hải cho biết: “Tôi đã đề nghị huyện, tỉnh rất nhiều lần việc nếu hết trữ lượng cát thì thôi, dừng không cho khai thác nữa. Hút thì đứt chân, sẽ lở xuống, khiến dân bức xúc chửi bới, hai bên xô xát nhau rất phức tạp”.
Việc có hay không tình trạng khai thác cát ngoài phạm vi được cấp phép như người dân phản ánh cần được cơ quan chức năng sớm làm rõ và có xử lý dứt điểm, tránh để người dân mất đất sản xuất, đe dọa đến an toàn của đê điều.
Tác giả: Kim Oanh
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp