Để vào được bản Pượn phải đi vòng qua Vạn Mai (Hòa Bình) do con sông Mã chia cắt. Bản nằm cách trung tâm xã Trung Sơn chừng 6 km nhưng tuyến đường độc đạo đi men theo sườn núi cao, vực sâu nên từ trước tới nay chỉ có xe máy và xe đạp di chuyển được.
Nếu vào mùa mưa thì hầu như không thể đi lại do đường trơn, trượt, đất bám dính. Chính vì thế bản còn được gọi là “4 không” gồm: đường, trường, trạm, điện. Không khó hiểu khi gần như các hộ dân người Thái, Mường ở đây đang bị cái đói, cái nghèo, lạc hậu bủa vây, đeo bám.
Đường vào bản Pượn đang thi công phải dừng lại, trơn trượt, lầy lội mỗi khi mưa. |
Trưởng bản Pượn Vi Xuân Nhất cho biết: “Cả bản có 40 hộ với 183 nhân khẩu là dân tộc Thái, Mường. Tại bản có 24 cháu đi học và 30 cháu đang học THCS. Do không có đường nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Học sinh đi học, bà con đi viện khi đau ốm hoặc mua hàng hóa phải ra trung tâm xã rất khó khăn. Năm 2020 được nhà nước quan tâm cho triển khai dự án nâng cấp đường giao thông vào bản đổ bê tông, ai cũng mừng. Tuy nhiên chỉ được một thời gian, việc thi công phải dừng lại. Con đường đất nham nhở khiến người dân khổ sở khi phải di chuyển qua đây”.
Có điện, đường, sẽ giúp bản Pượn xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu. |
Niềm an ủi với người dân bản Pượn đến vào dịp trước Tết Nguyên đán Quý Mão khi điện lưới được kéo về. Có điện, các cháu học sinh học bài đỡ phải mò mẫm dưới ánh đèn dầu leo lét. Nhưng bản cũng chỉ thay đổi được chút ít khi máy xay xát lúa nhà ông Vi Xuân Nhất chuyển từ dùng xăng sang chạy điện, giảm giá thành.
Có vài hộ mua ti vi, nồi cơm điện và dự định phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu từ chính mảnh đất này. Nhưng thực tế là các sản phẩm làm ra vẫn chưa thể vận chuyển ra ngoài hoặc các thương lái vào trong bản để chở đi.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Phạm Văn Diện cho hay: “Do địa hình núi cao, vực sâu nên cách đây khoảng 2 tháng người dân bản Pượn mới có điện lưới để sử dụng. Sống lâu trong ánh đèn dầu leo lét khiến bà con cần phải có một khoảng thời gian để thích nghi, chuyển đổi. Khó khăn nhất vẫn là đường giao thông nối từ trung tâm xã vào bản Pượn. Đơn vị thi công đã dừng lại một thời gian dài chưa tiếp tục triển khai. Bà con và chính quyền địa phương rất mong cấp trên sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tuyến đường sớm hoàn thành".
Trưởng bản Pượn Vi Xuân Nhất phấn khởi bên máy xát lúa chạy bằng điện |
Được biết, xã Trung Sơn là xã miền núi cao, đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa có tổng diện tích tự nhiên là 7.680,64 ha, trong đó có 7.017,96 ha đất lâm nghiệp (trong đó diện tích rừng tự nhiên là 3.296,45ha); độ che phủ của rừng đạt 80,73%. Trung Sơn có ranh giới giáp huyện Mai Châu, tỉnh Hỏa Bình; huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Trên địa bàn xã có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Thái, Mường và Kinh (trong đó: Dân tộc Thái chiếm 65%, dân tộc Mường chiếm 30%, và dân tộc Kinh chiếm 5% dân số). Do yếu tố tự nhiên nên địa hình xã Trung Sơn có độ dốc rất lớn, chia cắt mạnh, thường xuyên gặp lũ lụt, thiên tai nên việc đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ đi lại, học tập, giao thương của đồng bảo dân tộc trên địa bàn xã.
Theo văn bản số 5715/UBND-NN ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án Nâng cấp đường giao thông bản Pượn, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa với mục tiêu kết nổi giao thông bản Pượn với các vùng lân cận, cải thiện điều kiện đi lại của nhân dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trong khu vực. Tuyến đường có chiều dài 4,25 km với tổng diện tích chiếm đất khoảng 5,5 ha; hướng tuyến đường của dự án cơ bản đi theo đường cũ và một phần tuyến mở mới chủ yếu theo sườn đồi, tránh vực sâu.
Văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo cấp trên |
Địa hình khu vực tuyến đường đi qua có đặc thù taluy dương là rừng núi cao, ta luy âm là vực sâu. Để có thể triển khai thực hiện bắt buộc hướng tuyến phải đi qua khu vực rừng có nguồn gốc rừng tự nhiên, nếu thay đổi hướng tuyển sang vị trí khác thì không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không khả thi để triển khai thực hiện dự án. Do vậy, diện tích rừng tự nhiên thuộc phạm vi dự án không thể bố trí trên diện tích đất khác và phải chuyển mục đích là 0,88 ha (rừng tự nhiên thuộc đối tượng rừng phòng hộ là 0,1 ha; rừng tự nhiên thuộc đối tượng rừng sản xuất là 0,78 ha). Chính vì vậy khi đang triển khai dự án phải tạm dừng để báo cáo, xin ý kiến cấp trên.
Ngày 24/3/2022, Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 401/TCLN-KL về việc hồ sơ trình thẩm định quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Nâng cấp đường giao thông bản Pượn, xã Trung Sơn.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã nghiêm túc tiếp thu và chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư rà soát cẩn trọng, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến thẩm định của Tổng cục Lâm nghiệp, phục vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích thực hiện dự án Nâng cấp đường giao thông bản Pượn, xã Trung Sơn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết và chịu trách nhiệm trước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Nâng cấp đường giao thông bản Pượn, xã Trung Sơn theo quy định. Dự án sớm hoàn thành, khai thác sẽ giúp người dân có cuộc sống ổn định, làm giàu trên mảnh đất cha ông.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: congly.vn