Cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng này ở cách xa những hang động quan tài trên núi đá miền tây xứ Thanh hàng trăm km mà tôi vẫn thấy rờn rợn.
Những cố quan tài được đặt trên một hệ thống giàn dáo. |
Bí ẩn Mường Ca da
Con sông Mã hùng vĩ bắt nguồn từ vùng núi phía Nam Tuần Giáo (Tỉnh Điện Biên) vượt qua bao núi, bao đồi, qua đất của nước bạn Lào rồi lại quay trở về nước Việt ở địa phận Mường Lát, miền Tây Thanh Hóa.
Và những hang động chứa đầy quan tài, treo leo trên núi đá ở huyện Quan Hóa chính nằm ở nơi hợp lưu của sông Luồng, sông Mã. Vị trí yết hầu vốn đã nhuốm màu bi tráng của sử thi. Cứ theo lời các cụ già thì vùng đất Quan Hóa này vốn là trung tâm của xứ Mường Ca Da, nơi cư trú của đồng bào Thái từ hàng trăm năm nay.
Lại nữa con đường thiên lý men theo bờ sông vốn là đường độc đạo từ tỉnh lỵ xứ Thanh lên miền Tây Mường Lát (Đường lên Mường Lát bao xa/ Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi gềnh).
Địa thế hiểm trở chẳng khác gì “Ải Chi Lăng” đã từng là nơi diễn ra bao trận đánh lớn nhỏ khiến hàng nghìn người bỏ mạng. Những câu chuyện truyền thuyền xa xôi khiến tôi không khỏi rùng mình. Nào là nơi Động Phi dưới chân Hang Ma (nơi chứa quan tài cổ) vào những đêm trăng sáng vẫn có hồn vía của hai người con gái chết đuổi tha thẩn.
Nào là những ngày đẹp trời, các chiến binh bảo vệ vẫn...bay là là trên mặt sông, dọc theo các triền núi canh gác giấc ngủ ngàn thu của những chủ nhân trên núi đá. Cái tên Hang Ma đã có từ lâu trong cộng đồng cư dân sinh sống ở đây.
Người Thái gọi là Lũng Mu, mu là con lợn rừng. Chỗ này là hang ổ của sơn dương và lợn rừng. Bước chân của những thợ săn đã đi qua bao quả đồi, con suối nhưng chưa ai dám xâm phạm vào những khu động táng khổng lồ trên núi. Bởi đời nọ nối đời kia, bà con vẫn truyền khẩu nói rằng, đó là vùng đất thiêng, ngọn núi thiêng, đừng ai dại gì mà xâm phạm.
Thế nhưng, hình như huyền thoại chẳng đủ để hăm dọa những kẻ đào phá mộ cổ, tìm kiếm cổ vật. Trước khi các chuyên gia khảo cổ học vào cuộc thì những cỗ quan tài cổ xưa đã bị lật tung, bới tìm tanh bành.
Theo những cán bộ địa phương thì hầu hết các quan tài đều đã bị bật nắp, cổ vật (nếu có) đã bị lấy đi, thậm chí ngay cả những hài cốt của người xưa cũng không còn. Người dẫn đường cho chúng tôi lên Hang Ma là anh Phạm Bá Do, người xóm Khằm (xã Hồi Xuân).
Ngôi nhà của anh nằm ngay bên dòng sông Luồng đục ngàu phù sa. Bởi là mùa cạn, chỗ sâu nhất mới đến ngang ngực nên chúng tôi bấm chân lội qua sông. Từ chân núi lên đến động táng chỉ chừng 500m nhưng đường đi cực kỳ hiểm trở.
Sau khi vượt sông, chúng tôi lần theo những lối mòn đầy tre gai, cỏ dại. Vừa dùng dao phát đường, chặt bớt dây leo, anh Do vừa chỉ cho chúng tôi thấy những vạch sơn đỏ đã được các nhà khoa học đánh dấu để tránh lạc đường.
Bước chân đi thoăn thoắt nhưng có lúc đôi mắt tinh tường của anh cũng bị lạc hướng bởi cây rừng che khuất lối đi. Sau khi vượt qua vách đá tai mèo sắc nhọn, mà cách duy nhất là đu người đạp chân nhích lên từng tý một, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Hang Ma.
Hang Ma ở bờ sông Đà Ở nước ta, ngoài Quan Hóa, những quan tài cheo leo trên vách núi còn được phát hiện ở khu vực Suối Bàng, bên bờ sông Đà thuộc địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Theo huyền thoại cổ: Cách đây hàng trăm năm, người Xá và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Do có sự tranh chấp về đất đai họ chọn cách bắn tên để giải quyết. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở. Họ đã đứng ở núi Cắm tên, xã Mường Sang bắn tên về Suối Bàng. Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại. Từ đó người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi. Người Xá đi xa, nhưng khi chết, không dám chôn cất người chết trên đất nữa, đành đưa vào những thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi dấu trên các vách đá cheo leo. Những quan tài đều được làm bằng gỗ đinh: loại gỗ ít bị bào mòn bởi thời gian, mưa nắng, các loài thú, mối mọt cũng không dám xâm phạm. Để lên các "hang ma" Khoang Tuống, sẽ phải chui qua những đám rễ cây, dây leo chằng chịt. Phát đường mà đi trên những lớp lá cây mục. Khi chân đã bắt đầu mỏi, sẽ thấy những miệng hang kiểu vòm ếch, có hang rộng chừng 2m, trần hang thấp, lại có những hang to, chứa tới mấy chục cỗ quan tài. Đi vào trong, những quan tài chưa bị động đến đều được gác trên những chạc cây, khô ráo, lành lặn. Điểm chung là, chúng đều được làm bằng một thân cây khoét rỗng lòng theo hình cái bát. Cái lớn dài chứng mét, rộng 60cm, trong lòng khoét rộng chừng 40cm. Đầu mỗi quan tài loe ra hình đuôi én, có các cặp quai đục lỗ hình vuông để nêm chốt khi úp xuống mảnh thân gỗ với nhau. |
400 cỗ quan tài
Bước chân người thành thị chẳng quen lội suối chèo non, tôi ngồi lặng lẽ trước cửa hang sau chặng đường đầy mệt nhọc đón gió sông Mã thổi lên. Ngẫm cũng thấy các cụ ngày xưa chọn nơi an nghỉ ngàn thu cũng không phải là vô tình, ở giữa bao la trời đất, tựa đầu vào núi đá, dưới chân là dòng sông uốn lợn cuồn cuộn phù sa như một dải lụa mỏng.
Lối vào hang có một tấm biển thông báo của UNND Huyện Quan Hóa yêu cầu quý khách cần giữ nguyên hiện trạng, không bật nắp, cậy phá, di chuyển, lấy hiện vậy trong khu vực hang động đã được công nhận di tích.
Dưới ánh sáng của buổi chiều, ngay cửa hang là hàng chục cỗ quan tài bằng thân cây nằm ngổn ngang không có hàng lối. Chui qua một thân gỗ chắn ngang, bước vào trong lòng động, một khung cảnh tan hoang bày ra trước mắt chúng tôi.
Lòng hang tối lạnh âm u, hàng trăm khúc gỗ dùng làm quan tài bị bật nắp, nằm đè lên nhau. Mỗi khúc gỗ dài chừng hai mét, chiếc lớn nhất dài gần ba mét, rộng gần 50 cm, chiếc nhỏ dài khoảng 1,5m, rộng gần 30 cm.
Giữa hai nửa khúc gỗ bổ dọc làm đôi đó, khoét rỗng đi, đặt thi thể người và đồ tùy táng vào đó rồi úp lại. Ở hai đầu có chốt hãm bằng gỗ để giữ cho quan tài không bị xê dịch. Phía trong cùng hang có một giá gỗ hai tầng với những xà ngang chống qua hai vách đá, dưới nền những ván gỗ lớn được lát tạo thành sàn, có những cột chống tựa như giàn dáo.
Toàn bộ số quan tài nằm trên giàn thứ nhất đã bị rơi vỡ xuống đất chỉ còn sàn gỗ trơ lạnh. Trên giàn thứ hai cao hơn còn lại hai, ba khúc gỗ những cũng đã bị bật nắp nằm chơ vơ. Dưới nền đất mục là những que hương đã tàn trong hoang lạnh đá núi.
Tôi cứ đứng im lặng như đang đứng trước nơi an nghỉ của một gia tộc bề thế, có quan tài to dành cho người lớn, quan tài nhỏ dành cho trẻ con, có lớp lang cao thấp. Cái cảm giác đứng giữa những cỗ quan tài, trong một không gian đặc quánh bởi mùi lá mục, mùi phân dơi sàn sạn dưới chân và một thứ mùi của quá khứ, của nơi tiền nhân an nghỉ dễ khiến người ta sờ sợ, toát lạnh sống lưng.
Anh Do theo lối mòn leo lên lật từng quan tài nhưng câu mà tôi nhận được là: “không còn gì ở đây cả, cả xương người cũng không có”.
Lần tìm dưới nền đất mục, tôi tìm thấy một mảnh vụn ngỡ như xương mục, một mảnh gỗ vỡ có khắc ba vòng ovan đồng tâm tựa như con mắt và hai ba mảnh vỡ của những chiếc bát cổ. Ngoài những chiếc quan tài nằm chỏng chơ, tất cả chỉ còn có vậy.
“Cách nay độ 15-20 năm, việc phát hiện liên tiếp những hang động có quan tài ở Quan Hóa, gây chấn động cả nước, gây sửng sốt với các nhà khảo cổ. Khi đó, báo chí đưa tin nhiều lắm. Các nhà khảo cổ cả trong nước và quốc tế về đây suốt ngày, và ông Nghĩa là người dẫn các đoàn đi rất nhiều. Tuy nhiên, họ đến nghiên cứu vài hôm rồi đi, chưa thấy có kết quả chính thức nào giải mã cả. Thế rồi, từ bấy đến nay, chẳng ai đến nữa, nên những cái hang ma này chìm vào rừng già, cây mọc bít lối, không có ai vào. Nhưng, người dân trong vùng thì vẫn không ngớt bàn luận về nó, và mỗi ngày họ lại thêu dệt cho kỳ bí rùng rợn hơn. Ông Cao Bằng Nghĩa – nguyên Trưởng phòng văn hóa huyện Quan Hóa”. |
Táng thức kỳ lạ
Cho đến tận bây giờ, những bí ẩn của Hang Ma, như: tộc người nào là tác giả của những động táng trên vách đá kia? và làm cách nào những cỗ quan tài rắn chắc kia lại có thể nằm ngay ngắn trên núi cao hàng trăm mét vẫn làm đau đầu các nhà nghiên cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối (Viện Khảo cổ học Việt Nam), người đã trực tiếp tham gia nghiên cứu các động quan tài ở Quan Hóa nhận định: Chủ nhân của những cỗ quan tài chắc chắn là một tộc người thuộc dòng Bách Việt, đã cư trú ở vùng đất Quan Hóa từ ngàn năm trước.
Căn cứ vào số lượng quan tài nhiều và kích thước lớn nhỏ khác nhau, có thể đây là khu mộ của các gia tộc lớn, có địa vị trong cộng đồng.
Giáo sư Nguyễn Lân Cường Cường cũng cho rằng sử sách thời Chiến Quốc, Trung Hoa đã ghi chép về dân tộc Bặc (một dân tộc thiểu số sống trong vùng Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên), với huyền táng.
Họ cũng làm quan tài nhưng không chôn mà treo trên vách núi cao hướng về phía mặt trời, khó bị người hay thú dữ xâm phạm và tin rằng “đưa quan tài lên vách núi cao là đại cát, đưa quan tài cha mẹ lên cao là con chí hiếu”.
Theo đó, muốn thực hiện huyền táng, đầu tiên phải chọn vị trí thích hợp trên các vách núi cao. Sau đó thân nhân dùng dây, để chuyển quan tài từ dưới đất lên vách núi cao và đặt vào huyệt mộ.
Tuy nhiên sự tồn tại của những quan tài chưa có dấu hiệu hài cốt bên một vách hang khác của Hang Ma cho phép đưa ra giả thuyết là những cỗ quan tài đã đã được đục đẽo và để sẵn trên các hang mộ.
Ngoài bảo vệ thi hài, người xưa có lẽ còn tin rằng an táng người chết ở trên cao chính là đường ngắn nhất để linh hồn người chết về mường trời - thiên đàng.
Nhưng bí ẩn lớn nhất mà các nhà khảo cổ vẫn chưa giải mã được là những người yên nghỉ trong các quan tài cổ hàng trăm năm trước là ai. Đại ngàn thâm u vẫn đang cất giấu bí mật của mình...
Tác giả: Thanh Thủy
Nguồn tin: Pháp Luật Plus