Giáo dục

Ngừng dạy thêm, thầy cô nỗ lực hỗ trợ học sinh ôn tập, ôn thi

Các trường tại Thanh Hoá đang nỗ lực, bàn giải pháp tổ chức ôn tập cho HS, nhất là HS cuối cấp.

Thầy cô thay đổi phương pháp dạy để tận dụng tối đa thời gian trên lớp.


Thay đổi phương pháp dạy

Từ ngày 14/2, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã dừng toàn bộ hoạt động dạy thêm, học thêm. Quy định này nhận được sự đồng tình từ nhiều cơ sở giáo dục, coi đây là cơ hội để đổi mới phương pháp dạy và nâng cao chất lượng học tập. Với chủ trương mới, nhiều trường học ở Thanh Hóa ủng hộ mạnh mẽ vì tin rằng điều này sẽ giúp học sinh có thời gian tự học và phát triển toàn diện hơn.

Tại trường THCS Minh Khai, TP Thanh Hoá, từ ngày 14/2, chỉ còn duy trì lớp học phụ đạo cho học sinh có kết quả học tập chưa đạt, lớp bồi dưỡng học sinh giỏi và lớp ôn thi cho học sinh cuối cấp. Cùng với đó, nhà trường yêu cầu các giáo viên ký cam kết tuân thủ việc không dạy thêm ở nhà khi chưa đủ điều kiện quy định.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên về công tác dạy thêm ngoài nhà trường. Cho viết cam kết không dạy thêm học sinh có kế hoạch dạy trong nhà trường. Quán triệt các nội dung dạy thêm trong thông tư 29. Đến thời điểm này chưa có giáo viên nào đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường.

“Thầy cô của trường đã thay đổi phương pháp dạy bằng cách cố gắng tận dụng tối đa thời gian trên lớp truyền tải kiến thức cho học sinh. Ngoài ra, học sinh được giao bài tập về nhà, ngày hôm sau, tranh thủ thời gian trên lớp, cô giáo sẽ chữa những bài khó.

Đối với học sinh lớp 9 lên 10 đang học 3 tiết/tuần xuống còn 2 tiết/tuần nên cũng có phần nan giải. Tuy nhiên, nhà trường luôn quán triệt giáo viên bố trí, sắp xếp thời gian một cách hợp lý, khoa học nhất để làm sao giờ học trên lớp học sinh phải lĩnh hội được hết lý thuyết. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ cụ thể hóa những kiến thức trọng tâm, đặt ra các yêu cầu cần đạt để học sinh có lộ trình học tập rõ ràng, giúp các em tự chủ hơn trong việc học”, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai chia sẻ.

Cũng theo cô Hà, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng giảng dạy. Nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không cần phụ thuộc vào việc học thêm mà vẫn đạt kết quả tốt.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Đình Kiên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá: “Thông tư 29 ra đời giải quyết bức xúc và đồng thời tăng cường hơn quy định về dạy thêm học thêm, đặc biệt là ngoài nhà trường. Bản thân tôi và cán bộ nhà trường rất đồng tình với thông tư này. Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là thực hiện nghiêm túc quy định này”.

Lãnh đạo Trường THCS Lê Đình Kiên cũng cho biết, nhiều phụ huynh khá lo lắng trước tình trạng con em không còn được học thêm tại trường sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh vào lớp 10. Tuy nhiên, nhà trường cũng đã lập kế hoạch giảng dạy phù hợp để học sinh không bị ngắt quãng kiến thức.

Gíao viên nỗ lực truyền tải kiến thức cho học sinh trên lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Yên, giáo viên Trường THPT Hoàng Lê Kha (Thanh Hoá) chia sẻ, cô và các giáo viên khác đều đang chờ hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện đúng Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.

Theo ghi nhận, nhiều giáo viên trên địa bàn Thanh Hoá rất băn khoăn, họ mong muốn được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng sau Thông tư 29 như: hoạt động dạy thêm cần đăng ký như thế nào, cần các điều kiện gì, việc quản lí, cấp phép được thực hiện ra sao…

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm

Hiện, tất cả các Phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu các trường tuyên truyền, phổ biến toàn văn nội dung Thông tư 29 tới giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh; tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; quản lý giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định; phối hợp theo dõi và kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

Tại TP Thanh Hoá, UBND TP Thanh Hóa cũng yêu cầu Hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn TP Thanh Hóa thực hiện tuyên truyền, niêm yết công khai quy định về DTHT theo các quy định mới để toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh biết, thực hiện.

Các nhà trường chú trọng việc hướng dẫn học sinh cập nhật kiến thức ngoài giờ học chính khóa, nâng cao khả năng tự học, ứng dụng công nghệ thông tin khai thác nguồn học liệu số nhằm nâng cao chất lượng học tập…

Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, giáo viên dạy thêm trái quy định.

Dừng dạy thêm sẽ giảm áp lực cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh, giúp giáo viên có thêm thời gian để tập trung nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, học sinh phát triển kỹ năng tự học. Vì vậy, Thông tư 29 được kỳ vọng sẽ là bước tiến quan trọng để hướng tới một nền giáo dục công bằng, thực chất và hiệu quả hơn.

Tác giả: Nguyễn Thuỳ

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP ok