Trong tỉnh

Ngư dân Thanh Hóa ít vi phạm khai thác hải sản ở vùng cấm và vùng biển giáp ranh

Trải qua 1 năm với khá nhiều biến động, tuy nhiên dưới sự định hướng của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, ngành thủy sản Thanh Hóa vẫn đạt được nhiều tín hiệu khả quan…

Không khai thác vùng cấm

Sau án phạt của Liên minh Châu Âu (EU), Chính phủ và Bộ NN-PTNT chỉ đạo Ngành thủy sản cùng các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp phải chấm dứt ngay tình trạng khai thác trái phép.

Vụ cá Nam 2017 Thanh Hóa thắng lớn

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, bà Hoàng Thị Yến khẳng định: “Từ trước đến nay, Thanh Hóa luôn hưởng ứng và chấp hành nghiêm chủ trương không tiến hành khai thác hải sản ở những vùng cấm, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước khu vực khi chưa ký kết hiệp định khai thác đánh bắt chung”.

Quá trình thực hiện, các đơn vị chuyên ngành đã tổ chức, tăng cường công tác tập huấn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến ngư dân về nội dung khai thác, BVNLTS thông qua các văn bản pháp luật, các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến biển, đảo của Nhà nước như: Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); Luật biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Hiệp định phân định Vịnh bắc bộ, Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam Trung Quốc; Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc liên quan đến các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển; Đường dây nóng bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài…

Phải thừa nhận rằng, sau 9 năm (2008 - 2017) thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 6/3/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh về “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển tỉnh Thanh Hóa”, tình trạng đánh bắt tận diệt (sử dụng xung điện, thuốc nổ, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định) giảm đáng kể. Phần đa các hộ trước đây khai thác bằng nghề đăng, đáy tại vùng cửa sông, ven biển đã tự giác tháo dỡ hoặc chuyển đổi hình thức phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.

Ngư dân hăng hái chuẩn bị vươn khơi

Theo ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác – BVNL Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, nhờ phát huy tốt công tác tuyên truyền nên tình hình nhìn chung có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, NLTS vùng ven bờ có sự phục hồi và gia tăng đáng kể. Đặc biệt, ý thức của ngư dân, chủ tàu chuyển biến rõ rệt, phần lớn đều chấp hành nghiêm túc các quy định đặt ra, cũng như cam kết không khai thác ở vùng biển cấm và vùng biển nước ngoài.

Trong thời gian tới, Ngành thủy sản Thanh Hóa xác định tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng kiến thức của Luật Thủy sản, tích cực chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản trên biển cũng như rà soát cặn kẽ thủ tục giấy tờ liên quan đến việc đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ phương tiện chấp hành nghiêm việc ghi chép nhật ký khai thác, phải khai báo nguồn hàng tại cảng để quản lý sản lượng đánh bắt và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản

Tính đến 15/9, toàn tỉnh có 6.762/7.417 tàu cá đăng ký đăng kiểm với tổng công suất 554.141CV, đáng nói loại 90CV trở lên đạt gần 1.800 phương tiện. Đơn vị chuyên ngành đã tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 305 tàu, cấp giấy chứng nhận ATKT cho 1.056 tàu và cấp giấy phép khai thác cho 1.045 tàu. Đặc biệt, có 152 tàu cá đủ điều kiện khai thác trong vùng Vịnh Bắc Bộ.

Toàn tỉnh có 6.762/7.417 tàu cá đăng ký đăng kiểm

Về tiến độ thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2017 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 10 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nên tổng số lên 65 chủ tàu (17 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ và 48 tàu khai thác xa bờ). Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới 56 phương tiện, gồm 23 tàu vỏ thép và 33 tàu vỏ gỗ với tổng kinh phí cam kết là 639 tỷ đồng.

Công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả, kết hợp với việc ngư dân chủ động đầu tư nâng cấp, sắm mới thuyền to máy lớn đã mang lại những kết quả rất khả quan. Vụ cá Nam 2017 Thanh Hóa thắng lớn, sản lượng khai thác tăng đến 9% so với cùng kỳ, từ 49.380 tấn lên 54.028 tấn. Qua ghi nhận thực tế, nhiều nghề khai thác có hiệu quả như nghề lưới rê khơi sát đáy, lưới chụp mực, lồng bẫy hay lưới vây sâu rút chì. Ngư trường khai thác chủ yếu ở vùng biển thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Nha Trang.

Kế hoạch vụ cá Bắc, Thanh Hóa đặt ra chỉ tiêu có trên 90% phương tiện được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và giấy phép khai thác thủy sản theo quy định hiện hành. Về sản lượng khai thác, phấn đấu đạt 53.200 tấn hàng.


Công tác tuyên truyền đóng vai trò tiên quyết

Để ngành thủy sản phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và thực hiện có hiệu quả phương án “củng cố, phát triển Tổ đoàn kết trên biển giai đoạn 2013 – 2020. Đến giữa tháng 9/2017, toàn tỉnh hình thành được 340 tổ với 1.976 tham gia, tham gia liên kết giúp ngư dân nắm rõ hơn những quy định hiện hành cũng như tiếp cận thêm những cách thức khai thác, đánh bắt mới vừa giúp tăng năng suất, chất lượng lại đảm bảo chất lượng nguồn lợi.

Tác giả: VIỆT KHÁNH-ANH KHÔI

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok