Thu mua hải sản tại bến cá Hải Bình cửa lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN |
Sau khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 kết thúc, nhiều ngư dân thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang gặp khó khăn do sản phẩm đánh bắt thủy sản không xuất khẩu ra các nước châu Âu và các nước khu vực Đông Nam Á nên thu nhập năm nay giảm nhiều, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước đây.
Mong muốn của ngư dân là Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng do dịch bệnh và giảm lãi suất vay vốn, gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng.
Tại Cảng cá Lạch Bạng, do đại dịch COVID-19 bùng phát đợt hai nên nhiều ngư dân bình quân mỗi năm thu nhập từ 700-1 tỷ đồng nhưng năm nay chỉ thu nhập được 200-300 triệu đồng, kinh tế đang khó khăn. Nếu như mọi năm sản lượng khai thác và bán thủy, hải sản ra thị trường lớn, thì năm nay sản lượng khai thác thấp do sản phẩm không xuất khẩu được ra nước ngoài nên nhiều ngư dân lao đao do công thợ, chi phí, tiền nợ ngân hàng đang còn nhiều.
Anh Hoàng Minh Đông, trú tại phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn cho biết: Vào thời điểm này mọi năm, cả 5 tàu đánh bắt cá của gia đình anh hoạt động hết công suất có thu nhập 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, tiền lương trả cho gần 15 nhân công đầy đủ.
Tuy nhiên, năm nay do đại dịch COVID-19 diễn ra, sản phẩm đánh bắt hải sản như cá, tôm, ghẹ, mực… hầu như chỉ bán được trong nội địa, không thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Trải qua 2 đợt dịch, gia đình anh đã thất thu 700 triệu đồng, tổng thu nhập thu nhập chỉ còn 300 triệu đồng, không có tiền trả lương cho nhân công và tiền chi phí dầu mỡ, anh phải đi vay mượn đề bù vào, không chỉ riêng anh cuộc sống của ngư dân làm nhân công cho gia đình anh cũng khó khăn.
Cũng gặp khó khăn sau dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Hiến, trú tại phường Hải Bình cho hay: Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh nên sản phẩm nay chỉ bán được trong nước, không thể xuất khẩu nên thu nhập của gia đình bị giảm, trong khi tiền vay ngân hàng chưa trả đủ.
"Năm ngoái thu nhập bình quân trên đầu người của gia đình tôi khoảng từ 400-500 triệu đồng/năm, nhưng từ dịch COVID-19 đến nay gia đình không thu hoạch được nhiều, bởi vì khai thác ít đi, không bán được hàng ra nước ngoài, chỉ bán được trong nội địa.
Năm nay ước chừng gia đình chỉ thu về 100-200 triệu đồng, mong nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ ngư dân", ông Hiến lo lắng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 15/11/2020, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh ước đạt 130.220 tấn; trong đó sản lượng khai thác biển ước đạt 125.858 tấn.
Về sản lượng khai thác biển không tăng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và thực hiện cách ly xã hội nên tình hình khai thác của ngư dân bị ảnh hưởng, một số sản phẩm khai thác thủy sản gồm tôm biển, cá thu, mực, ngao xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước châu Âu, Mỹ tiêu thụ chậm, giá các sản phẩm khai thác thủy sản giảm khoảng từ 15-20% so với chưa có dịch bệnh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về thủy sản và phối hợp với các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản những tháng bị dịch bệnh bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó chi cục trưởng, Chi Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc khai thác, buôn bán, giá trị sản phẩm bị giảm xuống, các giao thương không có nên ảnh hưởng đến đời sống bà con.
Thời gian tới, đơn vị kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân, thông qua việc giảm lãi suất vay vốn và gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn và các ngân hàng khơi thông nguồn vốn để các doanh nghiệp chuyển hướng, chuyển đổi, nâng cấp công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm thủy sản.
Ngoài những khó khăn do dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến ngư dân, tại Cảng cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn đang xảy ra tỉnh trạng quá tải với hơn 300 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, bến đậu tàu chỉ dài 90 mét nên tàu thuyền ra vào cảng không đủ chỗ neo đậu, luồng ra vào thường xuyên bị bồi lắng, các hộ kinh doanh xây dựng lấn ra dọc bờ sông ngăn cản dòng chảy, tạo sự bồi lắng.
Ngoài ra, các chủ tàu và thuyền viên, người lao động vẫn ngang nhiên xả nước thải, vứt rác sinh hoạt, đồ nhựa, túi ni lông xuống vùng nước đậu tàu, ảnh hưởng đến công tác quản lý và ô nhiễm môi trường.
Ông Đinh Tiến Hưng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Lạch Bạng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Thời gian tới, Ban quản lý Cảng cá Lạch Bạng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý các hộ dân lấn chiếm đất đai, xây dựng các công trình trái phép trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, đẩy mạnh hơn trong nhiệm vụ thanh tra kiểm soát tại Cảng cá.
Đồng thời, kiến nghị các cấp trên bố trí cân đối nguồn kinh phí cho việc quản lý, duy tu các hạng mục công trình, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu, góp phần ổn định đời sống ngư dân./.
Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn tin: bnews.vn