Thời gian qua, báo chí liên tiếp thông tin về những công trình quy mô hoành tráng, ngang nhiên được xây dựng trên đất nông nghiệp. Trong khi đó, các cơ quan chức năng địa phương lại không giám sát, xử lí kịp thời.
Gần đây, báo chí liên tục thông tin về việc tại địa bàn Thanh Hóa, một số cá nhân là người nhà quan chức hay bản thân là cán bộ công chức được cấp phép thuê hàng chục nghìn m2 diện tích đất nông nghiệp, sau đó tự ý biến những khu đất này nơi để xây dựng các công trình bề thế, trái chủ trương, quy định của pháp luật.
Đơn cử như vụ biệt thự xây dựng trái phép của đại úy công an Phạm Văn Công tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc. Ông Công xin thuê 100m2 đất nông nghiệp của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 7, xã Vĩnh Thành và 423m2 đất nông nghiệp do UBND xã quản lý (tổng là 523m2). Số đất này ông chủ trương thuê với thời hạn 50 năm, mục đích nhằm xây dựng khu thu mua nông sản và bán vật tư nông nghiệp.
Biệt thự của đại úy công an xây dựng bề thế trên hơn 5.000m2 đất nông nghiệp |
Tuy nhiên, ông Công không thực hiện đúng chủ trương mà lại ngang nhiên xây dựng biệt thự với tổng diện tích lên tới 5.000m2, gấp 10 lần diện tích được thuê. Các hạng mục đồ sộ bên trong cơ ngơi này bao gồm: Căn biệt thự để ở và các công trình khác như: Sân chơi, bể bơi, núi nhân tạo, hòn non bộ, vườn cây ăn quả…
Sau khi báo chí và dư luận phản ánh, huyện Vĩnh Lộc đã vào cuộc làm rõ và yêu cầu tháo gỡ các hạng mục sai phạm của công trình.
Khi vụ sai phạm huyện Vĩnh Lộc còn chưa được giải quyết dứt điểm thì dư luận xứ Thanh lại nóng lên bởi “thiên đường ẩm thực” trái phép trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Xuân Hương, em trai Bí thư TP Thanh Hóa.
Hình ảnh bảo tàng đặt trong "Làng ẩm thực xứ Thanh" của ông Hương |
Dự án “Trang trại sản xuất tổng hợp cá – lúa” của ông Nguyễn Xuân Hương ban đầu được cấp phép thực hiện với mục đích sản xuất nông nghiệp dưới hình thức cá – lúa. Tuy nhiên, sau đó khu đất nghiễm nhiên trở thành một “thiên đường” cung cấp dịch vụ ẩm thực kết hợp sinh thái với cái tên “Làng ẩm thực xứ Thanh”.
Từ đó, chủ nhân cho xây các công trình đồ sộ, phô trương như: Nhà sàn bảo tàng trưng bày các hiện vật quý, nhà hàng ăn uống dưới dạng các chòi xây trên mặt hồ, khu vườn với hàng trăm loại cây cảnh quý hiếm, có những gốc cổ thụ tuổi thọ lên tới 1.500 tuổi… Các hạng mục ở đây đều chưa được cấp phép, không đúng với quyết định thuê đất.
Điểm chung kì lạ của cả 2 dự án là, mặc dù đều là các công trình lớn, nằm trên các khu vực đắc địa, mặt đường quốc lộ dễ quan sát, thế nhưng từ khi xây dựng đến khi hoàn tất là cả một quá trình dài, cơ quan quản lí lại không phát hiện được sai phạm để ngăn chặn và xử lí kịp thời.
Chỉ sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo huyện và thành phố mới ra văn bản giao các phòng chuyên môn xác minh thông tin. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này thể hiện sự thụ động của các nhà chức trách địa phương.
Từ nơi chỉ để sản xuất nông nghiệp, chủ nhân biến thành khu kinh doanh dịch vụ ẩm thực khi chưa được cấp phép |
Nghịch lí ở chỗ, chủ nhân của những dự án lớn này lại là sĩ quan công an (ông Phạm Văn Công) hay người nhà lãnh đạo (ông Nguyễn Xuân Hương), đáng lẽ ra họ cần phải là những người nghiêm khắc với bản thân, nghiêm túc chấp hành pháp luật để làm gương cho người dân, thì lại chính là người cố tình vi phạm.
Việc công trình lớn liên tục sai phạm gây bức xúc trong nhân dân. Dư luận cho rằng, khi sai phạm xảy ra, trách nhiệm không chỉ thuộc về chủ nhân các công trình này, mà còn thuộc về vai trò của những lãnh đạo đã đặt bút kí duyệt cấp phép cho các dự án. Nếu cơ quan chức năng nghiêm minh, giám sát chặt chẽ việc thực thi các dự án ngay từ đầu, thì liệu có xảy ra chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” như thực tế đang diễn ra tại địa phương?
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.vn