Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục&Đào tạo Thanh Hóa, so với biên chế tỉnh giao, trong năm học 2018 – 2019, trên địa bàn toàn tỉnh thừa 1.110 giáo viên ở bậc THCS và thiếu 4.771 giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và THPT. Trong đó, bậc mầm non thiếu 2.783 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 1.818 giáo viên. Riêng các môn đặc thù mỹ thuật, tin học, ngoại ngữ, hiện phần lớn các huyện đều xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.
Hàng loạt giáo viên tại huyện Vĩnh Lộc bị mất việc |
Đối với cấp THPT tình trạng thiếu không nhiều nên vẫn có thể sắp xếp, điều động giáo viên để đáp ứng nhiệm vụ dạy học. Trong 2 năm học 2017 – 2018 và 2018 – 2019, Sở Giáo dục và đào tạo đã điều động, luân chuyển được 160 giáo viên đến các địa bàn còn thiếu giáo viên.
Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên tại các bậc học, các địa phương không phải là vấn đề mới trong những năm học gần đây, đang gây ra những áp lực lớn lên công tác giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các nhà trường. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành cần có giải pháp căn cơ, khắc phục từng bước, tiến tới giải quyết dứt điểm trong những năm học tới, tạo điều kiện cho các nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học.
Trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên gây bức xúc tại nhiều địa phương, trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2018, Chính phủ đã giao các bộ và các địa phương khẩn trương rà soát và đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý việc thiếu biên chế giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa phương có tăng dân số cơ học trên tinh thần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế.
Thiếu giáo viên mầm non tạo ra áp lực lớn và chất lượng khó được đảm bảo |
Các địa phương chủ động rà roát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, không để thiếu giáo viên, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Giáo dục& Đào tạo cũng đã có các văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát tình hình bố trí, sử dụng giáo viên mầm non, phổ thông và thực hiện tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, công tác dự báo, hướng dẫn đôn đốc phối hợp thực hiện của bộ này chưa sát sao. Việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cấp quản lý còn hạn chế. Một số giải pháp đang được Bộ triển khai để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên như tiếp tục công tác rà soát, dự báo nhu cầu giáo viên, quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, công bố chuẩn nghề nghiệp giáo viên, ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, dồn điểm trường lẻ về trung tâm. Đồng thời xây dựng phần mềm thống kê số lượng, cơ cấu giáo viên theo cấp học, môn học của từng cơ sở giáo dục; thống kê trình độ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp. Kết quả thống kê sẽ giúp Bộ nắm bắt thông tin để nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, không để thiếu giáo viên, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Dễ nhận thấy, do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ, dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ. Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở, phòng giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên. Vì thế, các đơn vị này không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu…
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý