Du lịch

Nghi thức hiến tế thức ăn cho núi lửa Bromo

Núi lửa Bromo nằm ở phía tây đảo Java, Indonesia là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong vùng và cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng với độ cao 2300 m.


Ngọn núi Bromo nằm giữa một vùng sa mạc rộng lớn được gọi là “Biển Cát”, vốn là nơi cư trú của khoảng 90.000 người Tengger. Mỗi khi chuẩn bị phun trào, những người này sẽ thực hiện một nghi thức hiến tế lương thực cho ngọn núi. Họ ném vào trong ngọn núi những thứ như trái cây, gạo, rau củ, dê, gà, thậm chí cả bò.

Nghi thức này có tên gọi là Yadnya Kasada, và người dân sẽ thực hiện trong vòng một tháng. Lễ hiến tế Yadnya Kasada được tổ chức tại Pura Luhur Poten, một đền thờ Hindu giáo được xây dựng giữa sa mạc.

Vào ngày thứ 14 của buổi lễ, cư dân đến cầu nguyện tại đền Pura Luhur Poten, để hai vị thần là Sang Hyang Widi Wasa và Mahameru ban phước. Khi buổi cầu nguyện kết thúc cũng là lúc họ ném những vật phẩm hiến tế vào trong miệng núi.

Lễ hiến tế được tổ chức tại Pura Luhur Poten được xây dựng giữa sa mạc.

Dù rất nguy hiểm, song cũng có những người cố gắng leo vào miệng núi để lấy lại những thứ họ vừa ném xuống vì họ cho rằng điều đó sẽ đem lại thật nhiều may mắn. Một số người khác dùng lưới để lấy.

Người dân dùng cả cây cối làm đồ hiến tế.

Người dân Tengger được cho là hậu duệ của vương quốc Majapahit vốn cai trị Indonesia và một số khu vực thuộc Đông Nam Á từ thế kỷ 13-15, trước khi những người Hồi giáo đến xâm lược. Do bại trận, những thần dân của vương quốc này phải tháo chạy đến vùng sa mạc Tengger ngày nay.

Trong số những người dân đi tị nạn có vợ chồng con gái của quốc vương Brawijaya.

Tuy nhiên, hai người này lại không thể sinh con. Vì thế, trong nỗi thất vọng tràn trề, họ leo lên đỉnh Bromo và vị thần ngự trị trong ngọn núi đã ban cho họ khả năng sinh nở. Đổi lại họ phải hiến tế đứa con đầu lòng.


Theo một vài dị bản khác về truyền thuyết này, hai vợ chồng sau đó không đồng ý hiến tế đứa con, dẫn đến việc thần núi Bromo nổi trận lôi đình và phun trào dung nham khắp mọi nơi để lấy mạng đứa trẻ.

Truyền thống hiến tế của người dân trong vùng được cho là lấy cảm hứng từ truyền thuyết này.

Người dân dắt động vật lên núi để hiến tế thần linh. Cả trẻ con cũng tích cực tham gia lễ hiến tế.

Tác giả bài viết: Phước Bình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok