Những lá đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty TNHH thương mại Hoa Thắm tới các vị lãnh đạo tỉnh nhà. |
Trao đổi với Tầm Nhìn, ngày 02/12/2011 Công ty TNHH Hoa Thắm có thuê 5.000 m2 đất của hộ gia đình ông Lê Văn Sáu và bà Nguyễn Thị Liên tại thôn Trường Sơn, xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa để đầu tư xưởng may. Hợp đồng thuê đất giữa hai bên đã được chính quyền địa phương là UBND xã Phú Lâm xác nhận vị trí, diện tích nguồn gốc đất theo trích lục bản đồ địa chính số 478/Tl- BĐĐC/2021. Số thửa: 998; tờ bản đồ số: 30 bản đồ địa chính năm 2018 xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, diện tích: 8726.6 m2, mục đích sử dụng đất: ONT + CLN.
Sau khi được UBND xã Phú Lâm xác nhận, công ty đã tiến hành xây dựng nhà xưởng. Trong quá trình xây dựng, phía chính quyền đã không có bất kỳ hướng dẫn nào với công ty, không cắm mốc giới và cũng không xác định vị trí xây dựng các công trình cho phía công ty. Công ty xây dựng 01 nhà xưởng thép tiền chế có diện tích khoảng 1.000 m2, nhà vệ sinh khoảng 20 m2, nhà bảo vệ 9 m2 và 1 nhà mái tôn tạm bợ cho công nhân để xe. Toàn bộ các công trình nói trên đều nằm trong khu đất đã được Công ty thuê và có xác nhận của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, chính quyền đã kiểm tra và có kết luận về các sai phạm trong quá trình xây dựng của công ty, đồng thời tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính. Công ty đã chấp hành nộp phạt đầy đủ đúng thời gian qui định. Sau đó, Công ty TNHH Hoa Thắm làm đơn để nghị UBND xã Phú Lâm cho phép công ty được tiếp tục sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định của Nhà nước.
Được biết theo quy hoạch xã Phú lâm đã có khu công nghiệp đồng vàng do Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư và số diện tích còn lại ở xã Phú Lâm được quy hoạch các khu dân cư nên không phù hợp với quy định của Nhà nước. Chẳng lẽ do không sâu sát trong quá trình hướng dẫn, kiểm tra của chính quyền đã khiến doanh nghiệp đầu tư nhiều tỷ đồng vào xây dựng nhà xưởng giờ đây lâm vào hoản cảnh phải bị cưỡng chế?
Phía công ty tự giác tháo dỡ những công trình vi phạm. |
Dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống, nhưng khó khăn do nó để lại thì vẫn còn hoành hành. Hàng nghìn doanh nghiệp bị phá sản, hàng triệu người lao động đang thất nghiệp. Để giải quyết khó khăn đó, một doanh nghiệp như Công ty TNHH Hoa Thắm đã dũng cảm đầu tư một số vốn tương đối lớn để sản xuất kinh doanh là một điều đáng khích lệ. Đáng nói, đầu tư ở một địa phương nghèo và khó khăn như xã Phú Lâm, giải quyết việc làm cho hơn 200 người lao động thất nghiệp ở đây không phải doanh nghiệp nào cũng dám nghĩ dám làm. Phía sau một quyết định là miếng cơm manh áo của hàng trăm hộ gia đình và thiệt hại hàng chục tỉ đồng của một doanh nghiệp.
Kết thúc cuộc trao đổi với Phóng viên, đại diện phía Công ty TNHH Hoa Thắm mong muốn xin được gia hạn thời gian để công ty có thời gian thực hiện các thủ tục cần thiết, để công ty tiếp tục được hoạt động, không rơi vào tình trạng phá sản. Mong rằng, lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp cùng trao đổi, hợp tác để giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, cần suy xét thấu tình đạt lý để vực dậy khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, như vậy mới thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, góp phần đưa địa phương phát triển đi lên.