Kinh tế

Nghi Lộc: Chuyển đổi cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả

Vụ đông năm 2016 này, huyện Nghi Lộc đã triển khai chuyển đổi các diện tích lúa không sản xuất được do hạn hán sang trồng các loại rau màu. Giải pháp này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà chủ trương này còn góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Những ngày này, ở xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) bà con nông dân đang tập trung thu hoạch rau màu chuyển đổi từ diện tích đất lúa không sản xuất được do hạn. Cùng với 350 hộ dân khác trong xã, gia đình Ông Lê Công Khoa - xóm 6 xã Nghi Thuận cũng đang phấn khởi thu hoạch 2,5 sào rau màu các loại. Ông cho biết, vụ rau năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá. Do sản xuất sớm nên rau của ông đắt hàng mà giá lại cao. Bình quân mỗi sào thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng, tăng gấp 7 lần trồng lúa.

Nông dân Nghi Thuận chuyển 20ha trồng lúa sang trồng màu


Năm nay, xã Nghi Thuận sản xuất 80ha rau màu các loại, tăng 20ha so với năm ngoái. Đây chính là các diện tích UBND xã đã vận động bà con chuyển đổi từ các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Ông Đặng Bá Kiên - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Thuận phấn khởi: Thành công lớn nhất là năm nay xã đã vận động bà con chuyển đổi được các diện tích đất hai lúa sang trồng rau màu. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích nữa sang trồng ngô, rau. Phấn đấu được hơn 100ha rau màu vụ đông".

Thu hoạch từ trồng rau cao hơn trồng lúa


Do hạn hán kéo dài, không có nước nên 190ha diện tích lúa hè thu ở xã Nghi Kiều không sản xuất được. Để bù lại một phần diện tích, UBND xã đã chỉ đạo bà con chuyển đổi hơn 100ha đất hai lúa sang sản xuất ngô đông. Theo đó, cùng với chính sách hỗ trợ 35 và 30 ngàn đồng/1kg giống của UBND Tỉnh, huyện, xã cũng hỗ trợ thêm 20 ngàn đồng/1kg. Tổng mức hỗ trợ cho 1 sào ngô sản xuất trên đất hai lúa bà con nông dân là 85 ngàn đồng/kg giá giống.

Nông dân phấn khởi thu hoạch rau


Anh Nguyễn Đình Phương - Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết: Ngay sau khi họp bổ cứu phương án sản xuất vụ đông 2016, UBND xã cũng đã tổ chức cung ứng giống cho bà con nông dân. Trong đó, chủ yếu sử dụng các giống ngô lấy hạt và ngô làm thức ăn cho gia súc như DK6919, DK 6654, MX10, CP999, CP888... Hiện tại, tranh thủ lượng nước mưa trong hai ngày qua, UBND xã Nghi Kiều chỉ đạo bà con ra đồng làm đất. Đồng thời, cung ứng giống cho bà con để triển khai gieo trỉa. Phấn đấu đến cuối tháng 10 sẽ hoàn thành sản xuất ngô đông 2016.

Xã Nghi Hoa trồng dưa chuột thay thế đất lúa kém hiệu quả


Vụ Đông năm nay, Nghi Lộc đã vận động bà con chuyển đổi thành công trên 2000ha đất lúa không sản xuất hè thu do hạn sang trồng các loại cây trồng khác. Tập trung chủ yếu là rau, ngô, hành tăm. UBND huyện đã phân công cán bộ nắm chắc tình hình tại cơ sở. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trên các hệ thống thông tin đại chúng. Trong đó, nêu cao tinh thần tiên phong của cán bộ, trong việc đi đầu sản xuất các loại giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật và tuân thủ khung lịch thời vụ để từ đó người dân hưởng ứng làm theo.

Nông dân Nghi Lộc tập trung sản xuất vụ Đông


Bên cạnh đó, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh là 35 ngàn đồng/kg, UBND huyện còn hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả do hạn hán, phải chuyển đổi diện tích lúa Hè Thu – Mùa không gieo cấy được sang làm ngô lấy hạt vụ Đông với mức 30 nghìn đồng/ kg. Đồng thời, chỉ đạo các xã căn cứ nguồn ngân sách của địa phương để có cơ chế hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng màu. Chỉ đạo trạm giống cây trồng, các đơn vị dịch vụ nông nghiệp cung ứng kịp thời, đầy đủ, đảm bảo cả số lượng, chất lượng các loại giống cây trồng phục vụ bà con nông dân. Khuyến khích các địa phương đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đồng thời tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo để phát hiện sớm và phòng trừ có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại góp phần sản xuất thắng lợi vụ Đông 2016.

Tác giả bài viết: Thu Hiền - Hồng Vinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok