Cứ đều đặn một tháng 2 lần, Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết luôn sôi động hơn. Bởi lẽ nhiều doanh nghiệp muốn thu hút lao động để triển khai kế hoạch sản xuất đầu năm. Trong khi đó, các lao động làm ăn ở các tỉnh khác về quê nghỉ Tết tới tìm hiểu để đưa ra lựa chọn nên tiếp tục vào các khu công nghiệp phía Nam hay ở lại quê nhà làm việc.
Theo số liệu Trung tâm cung cấp, sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, có 43 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng kí tham gia tuyển dụng người lao động thông qua sàn giao dịch của Trung tâm. Có gần 4.000 vị trí việc làm được tuyển dụng trong đợt này, trong đó chủ yếu vẫn là lao động phổ thông.
Anh Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Nam Châu, một trong các doanh nghiệp đến Trung tâm trực tiếp phỏng vấn, tuyển dụng lao động cho vị trí kỹ sư hóa chất chuyên về phụ gia nhựa và công nhân điều khiển máy.
“Cũng có ứng viên tốt nghiệp đại học nhưng không có người nào đúng chuyên ngành công ty mình đang cần. Hiện công ty sản xuất bằng công nghệ hiện đại, dây chuyền tự động hóa nên đối với lao động phổ thông chúng tôi cũng đưa ra các yêu cầu có tay nghề, đã qua đào tạo. Tuy nhiên, dù nhiều người tham gia phỏng vấn nhưng vẫn kết quả tuyển dụng chưa đạt được như kế hoạch của công ty”, anh Khánh cho hay.
Người lao động nghiên cứu thông tin tuyển dụng.
Theo quan sát, phần lớn người lao động đến tham gia tuyển dụng là lao động phổ thông, trong đó có một số không nhỏ là các lao động đã có thời gian làm việc tại các Khu công nghiệp phía Nam, chủ yếu trong các ngành may mặc, giày da…
Anh Ngô Quốc Sỹ (trú xã Thanh Liên, Thanh Chương, Nghệ An) cũng đã có gần 10 năm làm việc tại một công ty ở Bình Dương. Tuy nhiên, làm việc ở xa, mỗi lần có việc gia đình hay về ăn Tết là cả một vấn đề lớn. Bởi vậy, sau kỳ nghỉ Tết, anh quyết định tìm việc làm ở quê để tiện việc đi lại và giải quyết công chuyện gia đình.
Sau gần 1 buổi nghiên cứu chế độ tiền lương ở các công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, anh Sỹ vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. “Các vị trí việc làm với mức lương, thưởng, đãi ngộ hấp dẫn thì yêu cầu trình độ cao. Còn lao động phổ thông, không yêu cầu cao về tay nghề, chuyên môn thì mức lương quá thấp, thậm chí chưa bằng 1/2 mức lương của tôi ở công ty cũ. Với mức thu nhập đó, nếu phải ở trọ thì tôi nghĩ mình khó mà có tích lũy. Có lẽ tôi phải suy nghĩ lại xem có nên vào Bình Dương làm việc tiếp hay không”, anh Ngô Quốc Sỹ nói.
Nhiều lao động Nghệ An chuẩn bị hành lí lên đường tìm cơ hội việc làm ở các thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết.
Lý giải cho vấn đề tiền lương - điều băn khoăn lớn nhất của các lao động khi ứng tuyển vào các vị trí việc làm ở các công ty nội tỉnh, ông Dương Xuân Phúc - Phụ trách phòng Thông tin thị trường, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: “Doanh nghiệp Nghệ An chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên mức lương chi trả cho lao động không cao, không hấp dẫn được người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, có kinh nghiệm. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn chiếm đến hơn 80%, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao chỉ chiếm khoảng 10 - 15%.
Một số công ty ở Hà Nội và các khu công nghiệp phía Bắc cũng đăng kí tuyển dụng lao động qua trung tâm với số lượng lớn nhưng qua khảo sát cho thấy, người lao động ở Nghệ An phần lớn có nguyện vọng làm việc trong tỉnh và được hưởng các chính sách đầy đủ, mức thu nhập ổn định để có thể trang trải được cuộc sống cũng như có phần tích lũy”.
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: