Cuộc sống

Ngày giỗ cha

Ngày giỗ cha tôi năm nào cũng vậy, hễ cứ khi mọi người bắt đầu xắn tay vào chuẩn bị nấu món để sắp mâm cơm cúng cha là mấy anh chị em trong nhà đã lườm, nguýt, tị nạnh, rồi để ý để tứ đến nhau. Sau bữa ăn là y như rằng lại cãi nhau om sòm với vô vàn lý do khác nhau, mà có khi chỉ là những chuyện nhỏ nhoi, rất vớ vẩn đời thường vậy mà mọi người cũng có thể lôi ra để mà hoạnh họe nhau, rồi cãi nhau.

Ảnh: Nguoilaodong.vn

Ngày giỗ cha tôi năm nay cũng không phải ngoại lệ, khi mâu thuẫn phát sinh ra ngay từ khi gia đình bác trưởng “họp bàn” để chuẩn bị cho đám giỗ. Cha tôi sinh được bốn anh chị em, nửa trai nửa gái. Tôi là con gái út của cha, mà phận gái thường thì khi đã đi lấy chồng thì hầu như không còn có tiếng nói gì trong việc họp bàn của gia đình, mà phần quyết định mọi thứ đều là do các anh trai đưa ra. Chị gái tôi luôn đứng về phía tôi khi đều có ý muốn là cả năm có mỗi ngày giỗ cha thì gia đình nên tổ chức một bữa cơm cúng tươm tất để trước là cúng cha, sau đó anh chị em, con cháu, họ hàng đoàn tụ ăn uống cho vui.

Kinh tế gia đình của mấy anh chị em chúng tôi đều không khó khăn gì, thậm chí nhà ai cũng khá giả trong làng, bởi cha tôi từ lúc còn sống đã chia cho mỗi người con, cả trai lẫn gái một miếng đất rộng vài trăm mét vuông, mà với giá bán lúc gặp cơn sốt đất vài chục triệu đồng mét vuông thì người ít cũng có vài tỉ, còn người nhiều cũng sở hữu cả ngót dăm bảy tỉ bạc chứ đâu có ít.

Nghĩ cha vất vả cả đời dành dụm của cải cho các con nên tôi và chị gái bao giờ cũng muốn làm một đám giỗ tươm tất một chút. Nhưng, trái ngược, ông anh trai trưởng và bà chị dâu vợ của anh thì luôn muốn đám giỗ cha chỉ làm qua quýt, chứ anh chị kêu làm to tát tốn kém. Mặc dù có năm tôi và chị gái đều nói là nếu anh chị ngại tốn kém thì bọn em bỏ tiền ra mua sắm đồ vật để làm giỗ cha nhưng anh chị tôi cũng không nghe. Rồi chị dâu trưởng còn tỏ ý nói chúng tôi làm phận gái mà dám "vượt quyền". Thế là hai chị em gái chúng tôi đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, phải nghe theo.

Năm nay, ngày “họp bàn” làm đám giỗ cha cũng phát sinh mâu thuẫn muôn thuở như thế, khi người này thì muốn mở mang độ dăm, bảy mâm cỗ để mời không chỉ con cháu, mà còn họ hàng nội ngoại; trong khi anh chị trưởng nhà tôi thì vẫn luôn giữ quan điểm là... tiết kiệm.

Bấy lâu nay người anh trai và chị dâu thứ của tôi vốn vẫn giữ quan điểm là "thế nào cũng được", nghĩa là chiều theo ý của mọi người khi muốn làm sao cũng được. Năm nay, hôm bàn chuẩn bị đám giỗ, anh trai thứ của tôi sau khi nghe anh trưởng, chị dâu trưởng, rồi các em gái ý kiến, cho biết năm nay thuận theo ý các em gái, làm đám giỗ cha tươm tất đôi chút để mời con cháu họ hàng đoàn tụ, chứ từ ngày cha mất, các bác, các chú trong họ nội, họ ngoại đâu được mời ăn giỗ cha lần nào?

Chị gái tôi cũng đưa ra ý của mình: “Em cũng nghĩ vậy, vì thế anh chị trưởng nên thuận theo ý mọi người mà làm đám giỗ cha như vậy đi”.

Khi chị gái tôi vừa nói dứt lời, anh trai trưởng đã nghiêm nghị, to tiếng: “Các cô, các chú không có quyền! Tôi là trưởng của của nhà này tôi mới có quyền quyết định. Nếu các chú, các cô không thích thì mang cha về nhà mà cúng để rồi làm thế nào tùy ý nhé. Nếu theo giỗ cha ở nhà tôi là phải theo tôi”.

Và thế là ngày giỗ cha tôi lại diễn điệp khúc như bao lần giỗ khác trước đó, khi mâm cơm cúng cha chỉ vài món canh cơm lèo tèo, mặc dù mọi người góp vào không ít tiền. Lúc sửa soạn cơm cúng cha, chị gái tôi nhìn mấy món ăn lèo tèo đã mặt nặng mày nhẹ. Thấy chị gái không hài lòng, tôi đã dằn lòng mình, bảo: “Thôi chị ạ, chỉ nhìn thôi là biết mà, mọi người mà nói ra lại cãi nhau mất, chi bằng cứ lặng thinh im đi cho êm chuyện”.

Các món được dọn từ bàn thờ xuống bàn ăn và mọi người quây quần xung quanh, tưởng bữa ăn lần này sẽ không có xảy ra chuyện như mọi năm nhưng không, nhìn mâm cơm, anh trai thứ của tôi có vẻ nóng mắt quay sang hỏi chị dâu trưởng số tiền mình gửi để làm đám giỗ đã đi đâu mà sao mâm cúng tệ quá, ngay cả mâm ngũ quả trên bàn thờ cũng chỉ mỗi quả bưởi đơn điệu?

Nghe em chồng trách móc, chị dâu trưởng quay sang chửi anh trai thứ, tới lượt anh cả cũng quát mắng anh trai thứ. “Thôi, từ sang năm nhà ai nấy làm, chẳng cúng chung hay góp giỗ gì hết cả. Chúng mày giỏi thì mang cha về mà làm cỗ cúng to”, anh cả nói mà ai cũng buồn.

Bữa ăn trong đám giỗ cha là để anh em, con cháu đoàn tụ, vui vẻ bên nhau nhưng lần này cũng như mọi lần, chẳng ngon lành gì khi người lớn thì lườm nguýt nhau, cạnh khóe nhau, trẻ con cũng chẳng có cái gì để ăn.

Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Tiên

Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

  Từ khóa: giỗ cha , cãi nhau , mâu thuẫn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok