Ghi nhận của VnExpress tại Hội sở Ngân hàng Xây Dựng - CB đóng trên địa bàn Long An chiều 18/12, không khí giao dịch có phần yên ắng nhưng cũng có khách ra vào liên tục.
Bác Cang - sống tại Thành phố Tân An, Long An đang làm thủ tục gửi 1,5 tỷ đồng tại nhà băng này cho biết, ông là khách hàng đã gắn bó với CB hơn 4 năm. "Có những lúc Ngân hàng Xây Dựng đối mặt khó khăn khi các lãnh đạo cũ bị bắt, tôi có hơi lo lắng. Nhưng thấy các nhân viên cũng như lãnh đạo ở đây làm việc chuyên nghiệp, nhiệt tình, chính sách lãi suất lại tốt nên tôi vẫn tiếp tục gửi", ông Cang chia sẻ.
Không chỉ ông Cang, một số khách hàng đến giao dịch gửi tiền tại nhà băng này còn cho rằng, một lý do khác khiến họ đến với CB là vì hiện ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại nên có sự yên tâm. "Ngân hàng 100% vốn Nhà nước thì tiền của chúng tôi gửi vào chắc chắn sẽ được đảm bảo", một khách hàng nữ nói.
Bác Cang - một người dân tại Thành phố Tân An đang gửi tiền tại Ngân hàng Xây Dựng chiều 18/12. Ảnh: Lệ Chi. |
Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Xây Dựng cho biết, sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và phải đối mặt với những khó khăn, yếu kém nội tại, nhưng với sự hỗ trợ lớn của Ngân hàng Nhà nước, của Vietcombank và sự nỗ lực của tập thể đội ngũ nhân viên, nhà băng này đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Thứ nhất, theo ông Tuân, quy mô các hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng trưởng mạnh so trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước mới mua lại (5/3/2015). Số dư huy động vốn hiện tăng hơn 5.000 tỷ đồng. Đối với hoạt động cho vay, sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai trở lại, ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng đối với cá nhân (cho vay mua ôtô, mua nhà ở hoặc đất, cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất kinh doanh,…). Riêng năm 2017, CB đã dành nguồn vốn tín dụng gần 3.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển của các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ hai, về công tác xử lý, thu hồi nợ, vị Chủ tịch ngân hàng thông tin, tính đến 30/11/2017, CB đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ (chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ; nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng.
"Đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng của ngân hàng trong nỗ lực và quyết tâm xử lý nợ do đặc điểm các khoản nợ xấu của nhà băng rất phức tạp, liên quan đến các vụ án, tài sản bị kê biên.. Kết quả xử lý nợ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ và kết quả xử lý của các cơ quan có thẩm quyền", ông nói.
Thứ ba, ông Tuân cho biết, ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án tái cơ cấu sau khi phê duyệt. Về nhân sự, cùng với nguồn nhân lực từ Vietcombank tham gia quản lý, điều hành, CB đã sàng lọc, tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ cán bộ nhân viên đáp ứng được yêu cầu công việc mới. Nhà băng cũng đã hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro...
"Điều quan trọng nhất hiện nay là chúng tôi mong sớm đưa đề án tái cơ cấu ngân hàng vào phê duyệt", ông nói.
Liên quan đến câu chuyện tái cấu trúc CB, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, văn hoá doanh nghiệp là hết sức quan trọng, tiếp theo là sự hỗ trợ của các ban ngành, địa phương… Ngoài ra, ngân hàng này được hỗ trợ về vốn, nguồn lực và sắp tới sẽ có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn khi đề án được phê duyệt.
Theo Phó thống đốc, cuối tháng 11 vừa rồi luật sửa đổi các tổ chức tín dụng cũng như Nghị quyết 42 đã thông qua, tạo hành lang pháp lý quan trọng để tái cơ cấu ngân hàng. "Như vậy, cả cơ sở pháp lý, định hướng của Nhà nước đang rất cao để giúp các ngân hàng yếu kém sớm vượt qua khó khăn", ông chia sẻ và cho biết, đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn một đã đạt mục tiêu cơ bản là ổn định hệ thống với nguyên tắc tiên quyết Nhà nước luôn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Ông Tú cũng đề nghị Ngân hàng Xây dựng phối hợp với Vietcombank sớm xây dựng hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu, đảm bảo khả thi; tiếp tục thực hiện chủ trương củng cố, ổn định, khắc phục khó khăn. Song song đó, ngân hàng tập trung đảm bảo an ninh, an toàn mạng, tập trung vào các khoản vay ngắn hạn, ít rủi ro, luôn luôn kiểm soát được dòng tiền, không để vượt quá giới hạn cho phép.
Ngân hàng Xây dựng tiền thân là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến được chuyển đổi lên mô hình đô thị năm 2006 với tên gọi là Đại Tín (TrustBank). Vào tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/1/2015 của VNCB đã không thông qua được phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định nên Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của nhà băng này.
Đến tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chuyển đổi Ngân hàng cổ phần Xây dựng sang mô hình ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tham gia quản trị ngân hàng này, cắt cử cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành. Trong đó, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuân giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, và thôi nhiệm các chức vụ tại Vietcombank theo quy định, để tập trung cho cương vị mới.
Tác giả: Thanh Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress