Thế giới

Nga và phương Tây bên bờ Chiến tranh Lạnh?

Căng thẳng ngoại giao Nga và phương Tây đang ở lằn ranh nguy hiểm, với việc hai bên trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao của nhau. Các biện pháp "ăn miếng trả miếng" liên tiếp nhiều người lo ngại Chiến tranh Lạnh sẽ tái xuất.

Cuối tuần qua, 60 nhà ngoại giao Nga phải đóng gói đồ đạc và lên chiếc xe buýt màu xanh hướng tới sân bay quốc tế Dulles để rời khỏi Washington. Đến nay, tổng cộng 171 nhà ngoại giao Nga đã bị Mỹ và các đồng minh yêu cầu về nước, liên quan tới cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal trên đất Anh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó ở St Petersburg, 60 nhà ngoại giao Mỹ cũng phải ra khỏi tòa lãnh sự để trở về nước sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo đóng cửa phái bộ ngoại giao Mỹ này.

Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin cũng không ngần ngại trục xuất các nhà ngoại giao từ 23 quốc gia – hầu hết là các thành viên Liên minh châu Âu (EU). Gần đây nhất, Moscow tuyên bố trong vòng 1 tháng, London phải cắt giảm quy mô nhân viên ngoại giao tại Nga xuống bằng với số lượng nhân viên ngoại giao Nga tại đảo quốc sương mù.

Hai phía cũng triệu hồi các đại sứ của nhau tới để phản đối và yêu cầu giải thích.

Khủng hoảng bắt nguồn từ vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga trên đất Anh. Theo Thủ tướng Anh Theresa May, ông Sergei Skripal và con gái bị tấn công bằng một vũ khí hóa học có tên Novichok – một trong những hóa chất kịch độc cấp độ vũ khí do Liên Xô chế tạo - ở thành phố Salisbury. Các nhà chức trách Anh quy kết Nga đứng sau vụ việc nhưng chính quyền ông Putin khẳng định không liên quan.

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã ra thông cáo chung tuyên bố "khả năng cao độ Nga phải chịu trách nhiệm vụ tấn công" và hàng chục nước đã đứng về phía Anh cùng trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Sergei Skripal, 66 tuổi, đã bán các bí mật cho Anh và chuyển tới nước này sống theo một cuộc trao đổi gián điệp năm 2010. Cựu điệp viên hiện vẫn đang nguy kịch nhưng trong tình trạng ổn định, trong khi con gái ông là Yulia đã tỉnh lại và hồi phục nhanh. Anh cho biết nước này đang cân nhắc đề nghị của Moscow muốn gặp cô Yulia, người từ Nga sang thăm cha thì bị tấn công.

Các đợt trục xuất ngoại giao trả đũa lẫn nhau của Nga và phương Tây là lớn nhất trong thời gian gần đây, khiến nhiều người lo ngại hai bên sẽ lao vào Chiến tranh Lạnh một lần nữa. Tuy nhiên, theo BBC, nếu so sánh tình hình hiện nay với những kình địch giữa Liên Xô và phương Tây hồi những năm 1950-1980 là khập khiễng.

BBC dẫn lời Michael Kofman – một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao của Tập đoàn CAN và là thành viên Viện Kennen của Trung tâm Wilson, giải thích: "Chiến tranh Lạnh khi xưa là một cuộc cạnh tranh xuất phát từ hệ thống lưỡng cực, với hai siêu cường có các lợi thế về kinh tế và quân sự, cạnh tranh nhau sức ảnh hưởng đối với chính trị quốc tế... Và các ý thức hệ phổ quát đã khiến cho cuộc cạnh tranh đó là không thể tránh khỏi".

Theo ông, thế đối đầu ngày nay không xuất phát từ cán cân quyền lực hoặc ý thực hệ phổ quát mà từ những quyết định đã được các nhà lãnh đạo suy tính kỹ trước khi đưa ra, các chiến lược họ theo đuổi và hàng chuỗi bất đồng trong chính trị quốc tế. Và những điều đó không phải là không thể tránh được.

Bên cạnh đó, bản chất của mâu thuẫn hiện thời không giống như hồi Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, Nga cũng không ở vị thế có thể làm thay đổi cán cân quyền lực hoặc cấu trúc của các hệ thống quốc tế hiện nay.

Michael Kofman kết luận: "Nói cách khác, nguyên nhân và đặc điểm của xung đột ở hai thời kỳ là rất khác nhau".

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok