Trong tỉnh

Nga Sơn - Thanh Hóa: Bao giờ công bằng đến với người dân?

UBND xã Nga Mỹ, huyện Nga Sơn đã tự ý thu hồi đất được UBND huyện cấp giấy chứng nhận trang trại của gia đình ông Trần Văn Dũng ở xóm 4, xã Nga Mỹ, Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa để cấp cho người khác.

Sau khi nhận được đơn thư của ông Trần Văn Dũng, nhóm PV chúng tôi đăng ký làm việc với UBND xã Nga Mỹ, UBND huyện Nga Sơn về nội dung người dân kiến nghị, ngày 18/10/2017, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã có công văn số 136/CV- UBND trả lời về những kiến nghị mà PV cung cấp.

Lãnh đạo địa phương trả lời quanh co, thiếu trách nhiệm.

Về nội dung giấy chứng nhận trang trại của gia đình ông Dũng, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch xã Nga Mỹ trả lời rằng: “ Năm 2003 UBND huyện Nga Sơn cấp giấy chứng nhận trang trại cho hộ ông Trần Văn Dũng thôn 4, Nga Mỹ, Nga Sơn, Thanh hóa.

Thời điểm đó hộ ông Trần Văn Dũng không lập hồ sơ dự án để thuê đất, mà chỉ hợp đồng với UBND xã tổng diện tích: 69.001 m2 (trong đó: Đất cơ bản: 2.306 m2, Đất 5% UBND xã: là đất 5% UBND xã quản lý. Thuộc các xứ đồng “Ao cá Bác Hồ, Đồng Bầu, Lý Nguyên, Rộc làng” thuộc thôn 4 để sản xuất nông nghiệp hằng năm và giao nộp thuế hằng năm cho địa phương.

Năm 2011 thực hiện Thông tư số: 27/ 2011/ TT- BNN& PTNT ngày 13/ 4/ 2011 của Bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Hộ ông Trần Văn Dũng không đủ tiêu chí phát triển kinh tế trang trại, sản xuất thường xuyên bị thua lỗ, nợ tập thể kéo dài. Mặt khác, hộ ông Trần Văn Dũng không làm thủ tục xin cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận trang trại.

Công văn của UBND xã gửi ông Dũng trả lời về việc thu hồi diện tích đất.

Căn cứ khoản 1, Điều 14, Thông tư số 27/ 2011/ TT- BNN& PTNT thì giấy chứng nhận trang trại do UBND huyện Nga Sơn cấp cho hộ ông Trần Văn Dũng năm 2003 không còn hiệu lực”.

Nhưng cách đó ít lâu vào ngày 01/03/2013, UBND xã Nga Mỹ ra CV số: 22/CV- UBND trả lời đơn thư của ông Trần Văn Dũng, trong CV ông Tiến lại vẫn khẳng định rằng có “Diện tích đất đã giao cho gia đình ông Dũng nhận thầu để xây dựng trang trại mà cấp có thẩm quyền phê duyệt” .

Ông Tiến, Chủ tịch UBND xã Nga Mỹ đã dựa vào thông tư số 27/2011/TT- BNN& PTNT đã có từ ngày 13/04/2011 để khẳng định rằng, đất trang trại của gia đình ông Dũng đã hết hiệu lực nhưng tới ngày 01/03/2013 ông vẫn khẳng định sổ trang trại này có giá trị pháp lý.

Vậy có thể khẳng định rằng ông Phạm Văn Tiến, UBND xã Nga Mỹ đều không cập nhật và hiểu được thông tư số 27/2011/TT- BNN& PTNT: Quy định về tiêu trí và thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại.

UBND xã Nga Mỹ nói: “Giấy chứng nhận trang trại gia đình ông Dũng được UBND huyện cấp năm 2003 không còn hiệu lực” liệu đã đúng?

Cụ thể trong thông tư 27/2011/TT- BNN& PTNT, tại khoản 1, Điều 5, tiêu chí xác định kinh tế trang trại

Cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau:

Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải đạt:

a) Có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu:

- 3,1 ha đối với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long,

- 2,1 ha đối với các tỉnh còn lại.

b) Giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên,

Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.

Giấy chứng nhận trang trại hộ nhà ông Trần Văn Dũng là cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải có diện tích tối thiểu 2,1 ha và giá trị hàng hóa đạt 700 triệu đồng/ năm.

Theo ông Dũng “hai tiêu chí này cơ sở trang trại của gia đình ông đều thỏa mãn”. Chính quyền xã không hề xác minh giá trị hàng hóa cơ sở trang trại gia đình ông Trần Văn Dũng có đạt 700 triệu/năm hay không nhưng vẫn điềm nhiên khẳng định “Hộ ông Trần Văn Dũng không đủ tiêu chí phát triển kinh tế trang trại”

Và tại Điều 12. Thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại

Giấy chứng nhận kinh tế trang trại bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Trang trại chấm dứt hoạt động sản xuất,

b) Trang trại có diện tích đất sử dụng giảm xuống dưới mức quy định hoặc trong ba năm liền không đạt tiêu chuẩn quy định về giá trị sản phẩm hàng hoá nông, lâm, thủy sản.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được gửi cho chủ trang trại và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trang trại bị thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Và theo ông Dũng “cơ sở trang trại của gia đình không thuộc các trường hợp bị thu hồi, gia đình không hề nhận được bất cứ thông báo về việc cấp, đổi sổ mới, quyết định thu hồi giấy chứng nhận trang trại của UBND xã Nga Mỹ, UBND huyện Nga Sơn”.

Vào năm 2003, sau khi nhận được giấy chứng nhận trang trại cùng lời động viên của lãnh đạo huyện Nga Sơn “chúng tôi cấp giấy cho anh để anh yên tâm, mạnh dạn vào đầu tư sản xuất” gia đình ông Trần Văn Dũng đã vay vốn ngân hàng mạnh dạn vào đầu tư sản xuất trên diện tích đất trang trại của gia đình.

Nếu trường hợp giấy chứng nhận trang trại của gia đình ông Trần Văn Dũng không còn hiệu lực theo thông tư 27/2011/TT- BNN& PTNT do không làm thủ tục cấp, đổi giấy chứng nhận trang trại mới, vậy trách nhiệm của UBND xã Nga Mỹ, UBND huyện Nga Sơn ở đâu khi không hề thông báo về quy định mới cho chủ trang trại và cũng không có quyết định thu hồi giấy chứng nhận trang trại theo quy định tại thông tư đã đưa ra.

Việc có thông tư 27/2011/TT- BNN& PTNT chính quyền xã còn không nắm được, vậy một người dân quanh năm miệt mài lao động liệu có thể biết được có thông tư mới và thực hiện khi chính quyền địa phương không hề thông báo và hướng dẫn.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Gia đình & Pháp luật

  Từ khóa: Nga Sơn , người dân , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok