Ngày 10-10, bệnh viện này cho biết anh D. được người nhà đưa đến khám vì cơ thể còm nhom ốm yếu, khó thở, thành ngực lõm sâu tạo thành một hố sâu phía trước. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy đây là tình trạng lõm ngực nặng bẩm sinh, cần phẫu thuật điều trị để cải thiện tình trạng sức khỏe, ngoại hình cho bệnh nhân.
Hố ngực lõm của chàng trai trước phẫu thuật |
Ca phẫu thuật do bác sĩ CKII Phan Văn Tiếp, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, thực hiện. Bệnh nhân được phẫu thuật nâng ngực lõm bằng khung nâng ngực chuyên dụng. Sau phẫu thuật, tình trạng anh D. đã ổn định, dự kiến sau phẫu thuật 6-7 ngày có thể sinh hoạt bình thường và xuất viện.
Sau đó, khoảng 2-3 năm, khi lồng ngực ổn định, khung kim loại nâng ngực sẽ được lấy ra ngoài.
Các bác sĩ phẫu thuật đặt thanh kim loại nâng ngực cho bệnh nhân |
Theo BS Tiếp, tỉ lệ mắc lõm ngực bẩm sinh thấp nhưng lại biến chứng cao. Nếu không điều trị phẫu thuật đặt thanh nâng ngực kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn để lại hệ lụy về sức khỏe và sự phát triển của người bệnh.
Lõm ngực là bệnh ít gặp nhưng tỉ lệ biến chứng cao nếu không điều trị |
Ngay từ nhỏ, anh D. đã bị khiếm khuyết lõm ngực nên thường xuyên khó thở, mệt mỏi, kém phát triển thể chất, ốm yếu. Đến tuổi trưởng thành, tình trạng sức khỏe của anh cũng không cải thiện do diện tích lồng ngực bị thu hẹp khá lớn, chèn ép tim, phổi cho đến khi được cứu chữa.
Tác giả: Nguyễn Thạnh
Nguồn tin: Báo Người lao động