Trước đó, dự án này đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu tại Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 12/6/2019.
Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, diện tích đất thực hiện dự án khoảng 8,3 ha. Phạm vi, ranh giới khu đất thực hiện dự án được xác định tại tờ bản đồ số 04 bản đồ đo vẽ theo hiện trạng sử dụng đất xã Nghi Sơn tỷ lệ 1/2000 đo vẽ năm 2011, tờ bản đồ số 03 bản đồ đo vẽ theo hiện trạng sử dụng đất xã Hải Hà tỷ lệ 1/2000 đo vẽ năm 2011, và tờ bản đồ số 26 bản đồ đo vẽ theo hiện trạng sử dụng đất xã Hải Thượng tỷ lệ 1/2000 đo vẽ năm 2011.
Nhà máy Xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. |
Quy mô đầu tư các hạng mục công trình sau điều chỉnh bao gồm: Trạm tiếp nhận clinker, silo chứa clinker, các nhà kho chứa thạch cao và phụ gia, trạm đập và tiếp nhận thạch cao, phụ gia, trạm định lượng nghiền xi măng 1&2, nhà nghiền xi măng 1&2, silo chứa xi măng, nhà đóng bao và xuất sản phẩm, trạm khí nén, trạm điện khu vực đóng bao, trạm điện khu vực kho phụ gia, silo chứa tro bay, nhà để xe, trạm điện chính 110kV, kho chứa rác thải, trạm xử lý và cấp nước, trạm xử lý nước thải, trạm nghiền xi 1&2 và các hạng mục công trình phụ trợ khác…
Dự án có công suất thiết kế sau điều chỉnh đạt khoảng 3,4 triệu tấn xi măng/năm; tổng vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của Công ty 453,39 tỷ đồng (chiếm 26,67%); vốn vay từ ngân hàng 1.246,61 tỷ đồng (chiếm 73,33%).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm cho biết, hiện nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục, lắp đặt bổ sung các dây chuyền công nghệ tiên tiến hơn nhằm nâng công suất dự án từ 1,45 triệu tấn xi măng/năm lên thành 3,4 triệu tấn xi măng/năm.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu nhà đầu tư sớm hoàn thành công tác xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động. Lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đảm bảo các yêu cầu về sản phẩm, bảo vệ môi trường phù hợp với chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Tác giả: Ngọc Tân
Nguồn tin: baodautu.vn