Nhiều nơi tuyển dụng đợt 2
Phòng GD-ĐT quận 1 vừa thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên năm học 2018-2019 ở một số đơn vị. Đơn cử, Trường THCS Minh Đức ban đầu thông báo tuyển 4 giáo viên cho các môn Ngữ văn, Địa lý, Tin học và Âm nhạc nhưng sau khi điều chỉnh thì không có nhu cầu tuyển dụng.
Trường THCS Nguyễn Du ngưng tuyển giáo viên Thể dục, dù trước đó đã đăng ký chỉ tiêu. Quận 1 cũng chuẩn bị xét tuyển viên chức đợt 2 để phân bổ lại nhân sự cho các đơn vị.
Tại quận 3, kết quả xét tuyển viên chức đợt 1 năm học 2018-2019 ở bậc mầm non có 13/19 ứng viên trúng tuyển viên chức (đạt tỷ lệ 68,4%); bậc tiểu học có 16/34 ứng viên (tỷ lệ 47%) và THCS có 17/60 (tỷ lệ 28,33%).
Do không đủ chỉ tiêu, quận phải tổ chức xét tuyển thêm đợt 2. Tại quận 8, đợt xét tuyển viên chức vừa qua có 48 ứng viên mầm non trúng tuyển, bậc tiểu học có 62 và THCS có 44 ứng viên.
Nếu tất cả ứng viên trúng tuyển đều tham gia nhận nhiệm sở, quận vẫn cần thêm 25 giáo viên ở các bậc học.
Cô và bé Trường Mầm non Hoa Lan (quận Gò Vấp) với hoạt động kể chuyện em nghe trên lớp |
Đại diện Phòng GD-ĐT quận 8 cho biết, sau khi có kết quả xét tuyển, ứng viên có thể nộp hồ sơ đăng ký phúc khảo trong vòng 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả. Đây là điểm khác biệt so với nhiều quận, huyện khi kết quả xét tuyển viên chức chỉ được công bố một lần và không được quyền phúc khảo.
Đến thời điểm hiện tại, các quận 5, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình cũng đã hoàn tất xét tuyển viên chức đợt 1 năm học 2018-2019. Tuy nhiên, một số nơi như quận 2, 4, 9, các ứng viên vẫn đang nóng lòng chờ kết quả xét tuyển từ phòng GD-ĐT.
Trong khi đó, công tác tuyển dụng ở các quận 10, 11, 12 lại khá im ắng. Với quận Thủ Đức, một cán bộ phòng GD-ĐT quận cho biết, kết quả xét tuyển viên chức vừa qua chỉ có 55 ứng viên trúng tuyển giáo viên ở bậc mầm non, 95 người trúng tuyển bậc tiểu học và 51 người ở bậc THCS.
“Theo kế hoạch, đến ngày 1-10 các ứng viên bắt đầu nhận nhiệm sở. Tuy nhiên, dù tỷ lệ nhận nhiệm sở là 100% thì vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu nhân sự của các đơn vị. Có khi lại phải tổ chức tuyển dụng giáo viên quanh năm như các năm trước, đặc biệt ở 2 bậc mầm non và tiểu học”, đại diện phòng GD-ĐT quận Thủ Đức cho biết.
Cả ngàn giáo viên nghỉ việc
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2018-2019, khối các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên (trực thuộc Sở GD-ĐT) cần tuyển thêm 363 giáo viên và 62 nhân viên.
Ở các cấp học do phòng GD-ĐT quận, huyện quản lý, bậc mầm non cần tuyển 1.522 giáo viên, tiểu học là 1.752 giáo viên và THCS tuyển 1.425 giáo viên.
Tổng nhu cầu tuyển dụng toàn ngành trong năm học này là 5.126 người. Trong đó ở bậc mầm non, nhu cầu tuyển dụng trong 3 năm trở lại đây luôn cao hơn nhiều so với số lượng giáo viên thực tuyển.
Cụ thể, năm học 2014- 2015, toàn TP cần tuyển thêm 1.837 giáo viên mầm non nhưng chỉ tuyển được 1.335 người, thiếu 502 người. Đến năm học 2015- 2016, nhu cầu tuyển dụng là 1.675 nhưng chỉ tuyển được 1.304 người.
Trong năm học vừa qua, tổng nhu cầu tuyển dụng là 2.383 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 1.760 người, thiếu hơn 620 người. Nếu căn cứ theo quy định tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp của Bộ GD-ĐT thì số giáo viên mầm non còn thiếu lên đến 11.014 người, riêng khối công lập thiếu đến 3.319 người.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng chủ yếu do tỷ lệ giáo viên mầm non bỏ việc, nghỉ việc hàng năm gia tăng (trung bình mỗi năm có 1.046 người nghỉ việc).
Trưởng Phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TP lý giải, giáo viên mầm non khối công lập hiện nay có mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng (đã bao gồm lương, phụ cấp ưu đãi, phụ trội thêm giờ).
Trong khi đó, ở các trường tư thục, giáo viên có thu nhập thấp nhất từ 6,5 triệu đồng/tháng. Lương cao, điều kiện làm việc tốt hơn nên nhiều giáo viên bỏ công, qua tư là điều không thể tránh khỏi.
Năm học 2018-2019, TPHCM tiếp tục áp dụng nhiều chính sách đặc thù nhằm tăng thêm thu nhập cho đội ngũ giáo viên như hỗ trợ tiền lương đối với giáo viên mầm non mới ra trường (100% lương cơ bản trong năm đầu tiên, 75% cho năm thứ hai và 50% cho năm thứ ba công tác); hỗ trợ viên chức y tế trường học, tổng phụ trách Đội và trợ lý Thanh niên tại phòng GD-ĐT các quận, huyện; trợ cấp 700.000 đồng/người/tháng đối với giáo viên công tác tại các xã khó khăn (riêng các xã ở huyện Cần Giờ được trợ cấp 950.000 đồng/người/tháng); thực hiện chi tiền vượt giờ cho giáo viên mầm non với bình quân 400.000 đồng/người/tháng…
Nhìn chung, thu nhập của giáo viên tại TPHCM đã cao hơn mặt bằng chung ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, các mức ưu đãi này chưa cạnh tranh nổi với áp lực về thu nhập từ khối các trường ngoài công lập, khiến đầu năm học nào cũng xảy ra tình trạng “chảy máu” giáo viên, trường công tuyển hoài nhưng vẫn thiếu.
Tác giả: MINH QUÂN
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải phóng