Sau khi biết tin không trúng tuyển ĐH Y Hà Nội vì thiếu 0,25 điểm, Ngô Văn Hiếu (học sinh trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa) tiếc nuối và hơi buồn.
Nhưng nghĩ lại, em vẫn thấy vui vì ngôi trường em trúng tuyển - ĐH Y Dược Thái Bình - cũng rất tốt. Em còn nhận được sự quan tâm của trường khi miễn học phí trong thời gian học đại học.
Hiếu không mong được đặc cách vào ĐH Y Hà Nội vì câu chuyện 10 năm cõng bạn đến trường. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thi đại học là cuộc cạnh tranh sòng phẳng
Chia sẻ với Zing, Ngô Văn Hiếu cho biết khi biết điểm chuẩn ĐH Y Hà Nội, em tiếc chứ không buồn nhiều. Em mơ ước vào đây học bấy lâu nay. Song trong năm xét tuyển mà điểm chuẩn được dự đoán cao, với 28,15 điểm, từ đầu, Hiếu không tin tưởng mình sẽ trúng tuyển.
Hơn nữa, dù trượt nguyện vọng 1, em vẫn trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ĐH Y Dược Thái Bình, theo đúng ngành yêu thích.
Ngoài ra, việc Nguyễn Tất Minh đỗ ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khiến Hiếu vui lây nên không buồn hay suy nghĩ quá nhiều về việc bỏ lỡ ĐH Y Hà Nội chỉ vì thiếu 0,25 điểm.
Nam sinh tâm sự Minh vẫn khuyên em làm đơn xét đặc cách. Những thông tin nhiều người bày tỏ mong muốn em được đặc cách hay chia sẻ của GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, về việc này đều do Minh theo dõi rồi kể lại với em.
"Em rất cảm ơn các cô, các bác đã quan tâm hay muốn giúp đỡ em. Mọi người rất tốt. Nhưng em thấy mình không nên được đặc cách vì việc này còn liên quan đến nhà trường cùng nhiều người khác, không đơn giản như giúp ai đó xin được việc", Hiếu bày tỏ.
Nam sinh nói thêm thi đại học là đấu trường sòng phẳng. Thí sinh dùng năng lực để cạnh tranh công bằng, không phải dùng tiếng tăm hay mối quan hệ nào để trúng tuyển.
Bản thân em đã cố gắng học, thi và đỗ vào trường danh tiếng, phù hợp với năng lực.
Ngô Văn Hiếu thật thà chia sẻ kể cả được đặc cách, em thấy không hợp lý và lo không biết mình có theo kịp những bạn tự trúng tuyển không. Nam sinh cũng băn khoăn về cái nhìn của bạn học nếu em được nhận vào nhờ tình bạn giữa em và Minh.
“Em đăng ký 4 nguyện vọng. Ngoài hai nguyện vọng trên, em còn đăng ký vào ngành Răng Hàm Mặt và Y khoa đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa của ĐH Y Hà Nội. Em từng kỳ vọng trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng mục tiêu cuối cùng là trở thành bác sĩ chứ không nhất thiết phải học trường nào”, Hiếu tâm sự.
Nam sinh tự hào khi trúng tuyển vào ĐH Y Dược Thái Bình và sẽ nỗ lực học. Sau khi hoàn thành việc học ở trường, nếu thấy mình đủ năng lực, em sẽ đăng ký thi bác sĩ nội trú vào ĐH Y Hà Nội như gợi ý của GS.TS Tạ Thành Văn.
Hiếu tự hào khi trúng tuyển ĐH Y Dược Thái Bình bằng nỗ lực và khả năng của mình. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Lo cho cuộc sống mới của Minh
Ngoài ra, chiều 6/10, Ngô Văn Hiếu cũng nhận thông tin ĐH Y Dược Thái Bình sẵn sàng miễn học phí cho em trong thời gian học tại đây.
Hiếu rất vui vì nhận được sự quan tâm của trường từ sớm. Với em, đây là động lực để cố gắng học trong những năm tiếp theo. Em cũng hy vọng sự giúp đỡ này sẽ giúp bố mẹ đỡ vất vả trong việc lo cho em học đại học.
Hiếu kể thêm sau khi thi tốt nghiệp THPT, trong thời gian chờ điểm, em đi Bắc Ninh làm phụ hồ cùng bố. Nam sinh muốn biết cuộc sống, công việc của bố ra sao, đồng thời kiếm thêm thu nhập, hỗ trợ gia đình.
Trong 10 ngày, em làm việc từ 7h đến 11h, nghỉ trưa rồi lại làm tiếp đến 18h. 10 ngày này đã thay đổi Hiếu rất nhiều.
Lần đầu tiên, em làm việc hết sức lực đến thế. Quãng thời gian ngắn ngủi đó giúp nam sinh hiểu bố mẹ rất vất vả, cực nhọc để nuôi em ăn học.
"10 ngày đó giúp em nhận ra bố mẹ nuôi mình không dễ dàng. Em càng cần phải quý trọng những gì bố mẹ làm ra cho mình", Hiếu chia sẻ.
Do đó, sắp tới, em mong muốn sớm hòa nhập cuộc sống mới, tự lo cho bản thân để bố mẹ yên tâm.
Ngày 9/10, Ngô Văn Hiếu sẽ đến ĐH Y Dược Thái Bình để nộp giấy tờ xác nhận nhập học trước khi chính thức bắt đầu cuộc sống sinh viên từ ngày 15/10.
Trong bước đầu của hành trình mới, bố mẹ Hiếu tạm gác công việc để cùng con ra Thái Bình, ở lại vài hôm để con trai quen với nơi ở mới.
Trong khi đó, ngày 8/10, Nguyễn Tất Minh được bố mẹ đưa ra Hà Nội để xác nhận nhập học ĐH Bách khoa Hà Nội.
Như vậy, sắp tới, đôi bạn sẽ không sát cánh cũng nhau. Đây cũng là một trong những lý do Hiếu buồn khi không thể học tại Hà Nội.
Cả hai gắn bó với nhau rất lâu. Khi xa bạn, Hiếu thấy không quen, đồng thời lo lắng cho Minh.
Em hy vọng sau này, Minh làm quen với nhiều bạn mới, có người tiếp tục giúp đỡ trong học tập lẫn cuộc sống.
Ngô Văn Hiếu nói thêm bố Minh sẽ cùng ra Hà Nội, tìm công việc để vừa làm vừa chăm con trai. Nhờ đó, Hiếu yên tâm hơn.
Về phần mình, em sẽ học cách sống tự lập, nhờ các anh chị khóa trên tư vấn để bắt nhịp việc học từ năm đầu tiên và chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc học tập ngành Y vốn được cho là vất vả.
"Thỉnh thoảng, ngày nghỉ hoặc khi Minh có chuyện gì, em sẽ lên Hà Nội chơi với bạn", Hiếu nói thêm.
Tác giả: Nguyễn Sương
Nguồn tin: zingnews.vn