Pháp luật

Nam phạm nhân mong được tha thứ để làm lại....

Trần Văn Sơn, SN 1992, trú tại xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam sớm lập gia đình. Khi gia đình không được yên ổn, Sơn đã lang thang rồi bập vào mối tình chóng vánh với cô gái phục vụ khu bãi biển. Mối tình ngang trái ấy đã khiến Sơn đối diện với những năm tháng tù đầy dằn vặt...

Lòng tham nhấn chìm tương lai...

Sau khi tốt nghiệp THPT, Sơn thi đậu vào trường CĐ Thủy lợi. Ba năm học trôi qua suôn sẻ nhưng khi cầm trong tay tấm bằng CĐ, Sơn cũng chạy đôn đáo khắp nơi nhưng cuối cùng vẫn không xin được việc. Đầu năm 2011, Sơn lấy vợ, một cô gái xứ Thanh cũng cảnh không công ăn việc làm, vì thế mà cưới nhau mới được có mấy tháng nhưng giữa đôi vợ chồng trẻ này thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

Để có tiền trang trải cho cuộc sống, Sơn xin vào làm cho một Cty vệ sỹ, Sơn được điều đi làm bảo vệ siêu thị Big C ở TP Nam Định. Chỗ làm cách nhà khoảng hơn chục cây số nên hàng ngày Sơn vẫn đi đi về về, ăn cơm với gia đình.

Đồng lương eo hẹp, những khoản chi tiêu tăng dần khiến đôi vợ chồng trẻ vẫn không thoát ra khỏi những mâu thuẫn trong cái vòng luẩn quẩn cơm, áo, gạo, tiền. Không chịu đựng được cảnh đôi co cãi vã, vợ bỏ về quê, Sơn chán nản nên hay bỏ ra hàng quán ngồi chè thuốc rồi cũng theo bạn bè tụ tập nhậu nhẹt. Một lần, Sơn theo chúng bạn ra bãi biển Thịnh Long và tình cờ quen Lò Thị Hạnh, SN 1992, quê ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, đang làm thuê cho một cửa hàng ở bãi biển.

Một bên chiều lòng khách, một bên hẫng hụt, buồn chán chuyện gia đình nên họ có phần trở lên thân thiết. Hai người trao đổi số điện thoại với nhau và kể từ đó, họ thường xuyên điện thoại, nhắn tin cho nhau. Một vài lần được nghỉ làm, Sơn xuống Thịnh Long gặp Hạnh nên từ chỗ bạn bè, họ trở thành nhân tình của nhau.

Chính vì vậy, trong những lần nói chuyện, biết chị Hạnh chuẩn bị đi Hà Nội thuê nhà cho em gái từ Yên Bái về trọ học, Sơn nài nỉ bạn gái trên đường lên Hà Nội, ghé qua chỗ mình chơi. Chị Hạnh nhận lời nên chiều 4-8-2012, sau khi lên xe khách tuyến Thịnh Long - Hà Nội, đến ga cầu Họ, thuộc địa phận huyện Bình Lục (Hà Nam), Hạnh đã xuống xe, chờ Sơn. Sơn đón Hạnh, đưa vào nhà nghỉ An Sinh, thuê phòng.

Quá trình gần gũi, Sơn thấy người tình đeo nhiều nhẫn, dây chuyền vàng, trong túi xách có nhiều tài sản giá trị như điện thoại, máy nghe nhạc nên nảy sinh ý định giết người cướp tài sản. Kiếm lí do, Sơn quay về nhà chuẩn bị túi xách, cho con dao tông vào trong rồi phóng đến nơi bạn gái đang nghỉ. Đi qua thôn Câu Thượng, xã An Nội, thấy đoạn đường đang trong giai đoạn thi công có một đống cát lớn, Sơn quyết định sẽ dụ cô gái tới đây để gây án sau đó vùi xác vào đống cát, phi tang.

Sơn đã làm đúng như kế hoạch đã định, có điều trong lúc vội vã, anh ta không kịp tháo chiếc nhẫn trên tay cô gái và cũng không kịp nhận ra còn một bọc tiền 5 triệu mà nạn nhân giấu ở áo ngực. Giật sợi dây chuyền trên cổ nạn nhân, Sơn vùi xác cô gái vào đống cát rồi quay lại nhà nghỉ thanh toán tiền phòng, lấy đồ đạc của cô gái để ở đó, mang về nhà cất giấu, hôm sau đi làm như không có chuyện gì xảy ra.

Ba ngày sau, xác cô gái xấu số được phát hiện trong tình trạng lõa thể song cũng phải mất chừng ấy thời gian nữa, lực lượng CA mới tìm ra hung thủ.

Phạm nhân Trần Văn Sơn trong trại giam.

Bị dằn vặt...

Với hành vi giết người, cướp tài sản, Sơn phải trả giá bằng bản án chung thân. Ngày hầu tòa, Sơn chấp nhận sự phán xét với thái độ cam chịu nhưng khi nghe thấy tiếng mẹ gọi tên mình thì anh ta không còn giữ được nét mặt thản nhiên nữa.

Phạm nhân Trần Văn Sơn bảo rằng, gần 6 năm trôi qua, nhưng hình ảnh cha mẹ đau đớn khi nghe tòa tuyên án vẫn còn như in đậm trong trí nhớ của anh ta. Vì vậy, dù được về trại giam cải tạo, nhưng những năm tháng qua đi, chưa bao giờ trong đầu Sơn được thoải mái. Rồi cũng có đêm, anh ta mơ đến nạn nhân, mơ đến sự van xin của nạn nhân khiến giấc ngủ chập chờn, mộng mị. Sơn bảo vẫn biết mình gây tội là phải trả giá nhưng không bao giờ nghĩ rằng những ám ảnh tội lỗi lại nặng nề đến như vậy.

Về trại giam cải tạo, Sơn được điều về đội sản xuất, ngày ngày cùng các phạm nhân khác trồng rau, cuốc đất. Những công việc đó quá quen thuộc với Sơn nên không thấy khó nhọc. Nhưng phạm nhân Trần Văn Sơn bảo rằng, muốn làm công việc chân tay Sơn bảo chỉ muốn có việc làm luôn chân luôn tay để thấy mệt và để đêm về có những ngủ ngon giấc, không phải suy nghĩ và dằn vặt nữa.

Thế nhưng, đã có lúc nhìn thấy vợ và gia đình vào trại thăm Sơn, anh ta lại không thể giấu được cảm xúc. Bởi chính bố Sơn là một quân nhân, sau khi phục viên mặc dù hay đau ốm song ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội còn mẹ Sơn thì tần tảo hết ruộng vườn lại chạy chợ buôn bán kiếm thêm đồng cho bữa cơm gia đình tươm tất. Vợ Sơn, tuy mắc bệnh tim nhưng vẫn cố lao động, cố vượt số phận để vươn lên. Vậy mà Sơn, vì sự ích kỷ, lòng tham đã biến mình trở thành tội phạm.

Phạm nhân Trần Văn Sơn bảo rằng, khi đối diện với bản án không hẹn ngày về, anh ta thấy mình cùng cực trong sự đau khổ. Nhưng giờ đây, khi trải qua những cung bậc của tình cảm và dằn vặt, trong thâm tâm anh ta muốn được gia đình rộng lòng tha thứ để Sơn có động lực phấn đấu, cải tạo và như vậy, cơ hội ngày về sẽ ngắn lại...

(Tên bị hại trong bài đã được thay đổi).

Tác giả: Nguyễn Vũ – Đức Hùng

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: phạm nhân , Hà Nam , gia đình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok