Theo Fast Company, việc chính phủ Mỹ ngăn chặn các công ty và trường đại học hợp tác với Huawei sẽ không giúp cho hệ thống mạng tại quốc gia này an toàn hơn. Hành động này thậm chí đang làm tổn thất cho không ít doanh nghiệp và người dùng Mỹ.
Việc sử dụng các thiết bị viễn thông từ Trung Quốc, trong đó có Huawei, bị chính phủ Mỹ xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trang Fast Company nhận định những cáo buộc trên hoàn toàn không có căn cứ.
"Huawei đã hoạt động trong lĩnh vực viễn thông hơn 30 năm. Họ có hơn 500 khách hàng khác nhau trên toàn thế giới và chưa từng có bất cứ sự cố nào về vi phạm bảo mật liên quan đến các thiết bị của công ty", trang này viết.
Thiệt hại khi cấm cửa Huawei
Theo khuyến nghị của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS), những lo ngại về Huawei nên được giải quyết bằng sự hợp tác cũng như xây dựng các biện pháp quản lý rủi ro toàn diện. Lệnh cấm sẽ tạo ra nhiều tác động có hại và khiến nước Mỹ tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ.
Việc cấm cửa Huawei sẽ khiến Mỹ "hụt hơi" trong cuộc đua công nghệ. Ảnh: The Straits Times. |
Lệnh cấm này sẽ ngăn cản hàng loạt ý tưởng, con người, sự đổi mới về sản phẩm công nghệ đến với thị trường Mỹ. Năm 2018, Huawei là công ty đứng thứ 5 trên thế giới đầu tư vào nghiên cứu phát triển, vượt qua nhiều gã khổng lồ công nghệ lớn khác như Apple, Intel hay GE.
Công ty đã nghiên cứu mạng 5G cách đây 10 năm. Đến nay, số tiền đầu tư đạt hơn 2 tỷ USD, chỉ riêng trong năm 2018 con số này là 800 triệu USD. "Huawei là nhà cung cấp 5G duy nhất tại thời điểm này", một chuyên gia tại BT, nhà mạng lớn nhất nước Anh nhận định.
Bên cạnh đó, việc chính phủ chặn các nhà cung cấp lớn vào thị trường, sự cạnh tranh sẽ giảm xuống. Hậu quả lâu dài dẫn đến chi phí tăng lên, các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư và có ít sự đổi mới hơn. Người dùng sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng.
Chưa dừng lại ở đó, lệnh cấm cũng sẽ gây tổn hại cho các nhà mạng nhỏ tại Mỹ khi họ buộc phải bỏ hàng trăm triệu USD tiền thiết bị đã mua từ Huawei và đầu tư thay thế. Thậm chí, một số nhà mạng nhỏ hơn có thể bị phá sản bởi những khoản chi phí khổng lồ này.
Kiểm soát thay vì cấm
Theo Fast Company, thay vì một lệnh cấm, cách giải quyết tốt hơn vấn đề này là kiểm tra nghiêm ngặt và toàn diện tình trạng an ninh của tất cả nhà cung cấp thiết bị muốn tham gia vào thị trường Mỹ. Trên thực tế, đây là cách mà nhiều quốc gia đã thực hiện.
Việc xây dựng các phòng thí nghiệm nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm được xem là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Ảnh: TechSpot. |
Tháng 12/2018, Đức khuyến khích các nhà cung cấp thiết bị viễn thông thiết lập các phòng thí nghiệm xác minh độc lập, nơi các chuyên gia bên thứ ba có thể xem xét và kiểm tra các lỗ hổng bảo mật. Huawei đã mở một cơ sở thử nghiệm ở Bonn vào tháng 11/2018 và một số cơ sở khác ở Brussels vào đầu năm 2019. Tại Anh, chính phủ cũng đã giám sát một trung tâm thử nghiệm của Huawei trong 8 năm.
Nhiều chuyên gia bảo mật của Mỹ cũng ủng hộ những biện pháp quản lý rủi ro không gian mạng thông minh hơn thay vì các lệnh cấm.
Theo Fast Company, để nâng cao vị thế công nghệ nhưng vẫn duy trì an ninh, Mỹ nên hợp tác với các công ty hàng đầu, đồng thời xây dựng những phòng thí nghiệm riêng để kiểm soát an ninh thay vì sử dụng lệnh cấm.
Tiếp đó, chính phủ có thể thiết lập một bộ tiêu chuẩn khách quan áp dụng cho tất cả nhà cung cấp thiết bị muốn bán ra tại thị trường Mỹ. Bộ tiêu chuẩn bày sẽ có những yêu cầu cụ thể để quyết định xem công nghệ của công ty đó có phù hợp hay không.
Tác giả: Thế Anh
Nguồn tin: zing.vn