Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể và tham gia vào nhiều chức năng quan trọng như duy trì áp lực máu, giữ cho cơ thể mát mẻ thông qua quá trình mồ hôi và bảo vệ các cơ quan nội tạng.
Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, trong mùa đông, thời tiết hanh khô, việc bổ sung nước càng quan trọng hơn để giữ ấm cho cơ thể, cung cấp độ ẩm cho da, duy trì sức khỏe đường tiêu hóa.
Việc uống nước tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết uống đúng cách. Nếu uống sai có thể phản tác dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Uống nước quá nóng
Nhiều người do vội vàng nên không chờ nước nguội mà hay uống luôn nước còn đang nóng. Cũng không ít người cho rằng uống nước nóng sẽ giúp cơ thể càng ấm và có lợi cho sức khỏe hơn. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm và làm cho thể trạng ngày càng đi xuống, ảnh hưởng tới cổ họng.
Theo các chuyên gia, nước quá nóng có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, đường ruột, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và gây khó chịu. Đối với người có vấn đề về dạ dày như loét, viêm nhiễm…, điều này đặc biệt nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nước quá nóng dễ gây tổn thương cho các tế bào trong miệng và họng do nhiệt độ cao, làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn, virus. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, nếu uống nước nóng trước khi ra ngoài trời sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trà nóng hoặc bất kỳ đồ uống nóng nào đều làm tăng lưu thông máu và cải thiện cơ chế phòng vệ của cơ thể. Tuy nhiên, những đồ uống này cũng làm cho các mạch máu mở rộng.
Khi ra ngoài trời lạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ nhanh chóng giảm xuống khiến cơ thể không thích nghi kịp, mạch máu bị co thắt đột ngột. Nếu thực sự cần uống một thứ gì đó trước khi ra ngoài, hãy uống nước ấm thay vì nước nóng.
Uống quá nhiều nước ấm
Uống nước ấm, đặc biệt vào buổi sáng là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều nước ấm vào buổi sáng rất dễ gây hại cho sức khỏe. Lượng nước lớn sẽ tăng áp lực lên dạ dày, nhất là khi dạ dày đang rỗng sau một đêm dài không uống nước. Từ đó gây kích thích mạnh lên niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ viêm nhiễm và khó chịu.
Ngoài ra, uống quá nhiều nước ấm buổi sáng sẽ làm tăng áp lực cho thận, đặc biệt là khi vừa thức dậy. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng điện giải trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thủy thũng - khi cơ thể mất nước và khoáng chất quá nhiều.
Chính vì vậy, để vừa giữ ấm vừa đảm bảo sức khỏe nên duy trì uống nước xuyên suốt cả ngày thay vì dồn quá nhiều trong khoảng thời gian ngắn.
Ảnh minh họa. |
Uống nước ấm trong chai nhựa kém chất lượng
Nhiều người hay đựng nước ấm, nước nóng trong bình hoặc chai nhựa để vừa tiện uống vừa sưởi ấm tay, chân. Thế nhưng, các chuyên gia cảnh báo đây là một thói quen rất tai hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cả gia đình.
Theo đó, chai nhựa rẻ tiền thường chứa các chất hóa học như bisphenol A (BPA) và phthalates. Các chất này khi tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ có thể ngấm vào nước. Khi đi vào cơ thể người, hai chất này có thể làm tăng nguy cơ rối loạn hormone, ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào, tác động đến chất lượng tinh trùng, sự phát triển của tử cung hay khả năng thụ tinh ở cả hai giới…
Bên cạnh đó, nhựa rẻ tiền có thể tác động lên hương vị và chất lượng nước, đặc biệt là khi nước được đựng ở chai nhựa trong thời gian dài hoặc ở nhiệt độ cao. Do vậy, chỉ nên đựng nước ấm trong chai thủy tinh hoặc thép không gỉ là an toàn nhất.
Tác giả: Phương Anh
Nguồn tin: giadinhonline.vn