Trong tỉnh

MTTQ xã Tam Chung tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc

Xã Tam Chung (Mường Lát) có đường biên giới dài 8 km, 4 bản người dân tộc Mông, 4 bản người dân tộc Thái. Thời gian qua, với việc thực hiện Chỉ thị 01-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, MTTQ xã phối hợp với chính quyền, bộ đội biên phòng tuyên truyền xây dựng và phát huy có hiệu quả các mô hình, phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự trên tuyến biên giới như: “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”; “Tổ nông dân tự quản đường biên - cột mốc”...

Cán bộ MTTQ xã Tam Chung tuyên truyền cho người dân trong việc bảo vệ cột mốc, đường biên.

Trong đó, các tổ tự quản đường biên cột mốc trên địa bàn xã thường xuyên phối hợp với lực lượng đồn biên phòng tổ chức tuần tra biên giới, vệ sinh và trồng cây xanh tại khuôn viên cột mốc. Duy trì định kỳ 1 tháng/lần việc thông tin, tuyên truyền về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; phòng chống các thủ đoạn của các đối tượng tội phạm.

Vận động chị em phụ nữ buôn bán qua lại biên giới chấp hành tốt quy chế biên giới, không đi đường tiểu ngạch, nông dân có đất sản xuất sát đường biên cột mốc quan sát, bảo quản hiện trạng đường biên, cột mốc, thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện có những hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới.

Trong năm 2016 và 2017, MTTQ và các đoàn thể xã Tam Chung phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuyên truyền tập trung được 12 buổi/1.300 lượt người tham gia. Ngoài ra, MTTQ xã còn làm tốt công tác vận động đối với các già làng, trưởng bản nhằm vận động đồng bào giáp biên chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các luật về Luật Biên giới quốc gia; Hiệp định biên giới; Quy chế biên giới..., thường xuyên trao đổi cập nhật thông tin điều chỉnh cơ chế nhằm xây dựng một làng, bản an toàn về an ninh trật tự và tự bảo vệ an ninh biên giới.

Bên cạnh đó, MTTQ xã còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các xã biên giới có chung đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào) tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày hội vì người nghèo”. Tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới ổn định đời sống, không vượt biên trái phép, di cư tự do, xâm canh, xâm cư, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy...

Đồng thời, tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, tổ chức giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao giữa các địa phương; giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, đùm bọc sẻ chia lúc hoạn nạn khó khăn, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào phát triển sản xuất. Ngoài ra, kêu gọi đầu tư của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo nhiều cơ hội giao thương hàng hóa, thuận lợi cho giao thông, thông tin liên lạc ở các địa phương nơi biên giới góp phần tăng cường củng cố chính quyền cơ sở vùng biên giới.

Đồng chí Hoàng Minh Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tam Chung cho biết: Kết quả thực hiện “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” đã nâng cao được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện và giải quyết được kịp thời hơn đối với các vụ việc xảy ra trên biên giới Tam Chung. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và MTTQ xã Tam Chung cùng với lực lượng biên phòng tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, phù hợp với thực tiễn của địa bàn. Trong đó, tranh thủ tối đa tiếng nói của trưởng bản, người có uy tín và các hoạt động của dòng họ; chủ động nắm chắc tình hình cả nội biên và ngoại biên, làm tốt công tác quản lý hành chính không để bị động bất ngờ với các tình huống xảy ra; đấu tranh với các loại tội phạm và các hoạt động tôn giáo, di cư tự do...

Tác giả: Quốc Hương

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok