Du lịch

Món ngon phải thử khi đến Sa Pa

Không chỉ nổi tiếng bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, Sa Pa còn níu chân du khách bằng những món ăn ngon, mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc.

1. Cá Hồi Sapa

Cá hồi được nuôi thành công ở Sapa nhờ vào khí hậu ôn đới, gần giống khí hậu vùng châu Âu và Bắc Mĩ - nơi sinh sống của cá hồi. Không giống với cá hồi nhập khẩu thường béo, thịt bở, cá hồi Sapa có thịt chắc, màu hồng đẹp, thớ săn, ít mỡ và giá trị dinh dưỡng cao.


Cá hồi được người dân Sapa chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như gỏi cá hồi, cá hồi nướng, sashimi, cá hồi nấu cari,… tuy nhiên món lẩu cá hồi là một món ngon đặc trưng được nhiều du khách lựa chọn khi đến nơi đây.

Lẩu cá hồi được nhiều du khách yêu thích.

Loại cá được nuôi tại Sapa chủ yếu là cá hồi vân, hay còn gọi là cá hồi ráng. Nếu muốn trực tiếp tham quan cảnh nuôi cá hồi, du khách nên chọn khu Thác Bạc.

Trong cái lạnh của Sapa, bên chén rượu táo mèo mà được thưởng thức nồi lẩu cá hồi bốc hơi nghi ngút, chắc hẳn thực khác sẽ có được ấn tượng khó quên.

2. Lợn cắp nách

Từ “cắp nách” bắt nguồn từ hình ảnh những người dân Sapa thường cắp những chú lợn khoảng 4-5kg vào nách rồi đem xuống chợ phiên để bán, người mua xong cũng làm động tác “cắp nách” tương tự để mang lợn về.


Giống lợn “cắp nách” là giống lợn “độc” của người dân vùng cao. Do đó, thịt lợn cắp nách là một trong những món ăn đặc sản nhất định phải thử khi du lịch Sapa, nếu không sẽ tiếc cả một chuyến đi.

Những miếng thịt non mềm, thơm và ngọt, không ngấy; phần bì vàng óng, giòn tan được tâm ướp gia vị kỹ càng, đậm đà và nhấm nháp cùng với chút rượu sẽ làm bạn “phải lòng” món ăn này ngay từ miếng đầu tiên.

3. Đồ nướng Sapa

Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của khách du lịch Sa Pa thì đồ nướng đang trở thành một “thương hiệu” rất riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác.


Dường như ở Sapa bất kỳ món gì cũng có thể trở thành nguyên liệu của món nướng, từ rau củ, ngô khoai đến trứng, thịt, cá, chim…Đồ nướng ở Sapa rất đặc biệt và khác hoàn toàn với đồ nướng ở những nơi khách, bởi nó được tẩm ướp và nướng cùng các loại rau rừng, gia vị chỉ người vùng cao mới có.

4. Thịt gác bếp

Vị khói đậm đà kết hợp với gia vị tẩm ướp kỹ càng đã tạo nên món thịt gác bếp có một- không -hai của người dân Sapa

Có thể nói thịt gác bếp là món ăn truyền thống của dân tộc vùng cao. Bất kể loại thịt nào từ trâu, bò, lợn,…cũng có thể được người dân Sa Pa chế biến thành món thịt gác bếp độc đáo.


Thịt trâu gác bếp.

Để làm được món thịt này, họ sẽ dùng phần thịt nạc vai của các loại gia súc, sau đó lọc bỏ bớt mỡ, gân tồi đem tẩm ướp với lá mắc khén giã nhỏ, hạt chuối từng giã nhuyễn và muối hột, ớt. Cuối cùng là đem treo lên gác bếp để hơi nóng và khói bếp giúp bảo quản miếng thịt trong một thời gian dài. Do đó món thịt gác bếp này còn được gọi là thịt hun khói.

Đây không chỉ là món ăn khoái khẩu của người Sa Pa những lúc rảnh rỗi mà còn là món ăn nhất định phải thưởng thưởng một lần khi du lịch Sapa. Những thớ thịt dai dai, cay cay đậm đà còn vương mùi khói bếp sẽ cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời cho một chuyến đi.

5. Rượu táo mèo

Ở Sapa, cây táo mèo mọc hoang trên các dãy núi Hoàng Liên Sơn. Táo mèo cứ thế lớn lên trong rừng rồi đơm hoa kết trái- một món quà thiên nhiên ưu đãi cho đồng bào Mông.


Táo mèo được kết từ hương của rừng, thấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao nên nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Qủa táo mèo được ngâm ủ rất kỹ rồi cất để chế ra rượu.

Rượu Táo mèo được ngâm trong các bình to. Loại táo này cũng được ngâm như ngâm mận nhưng lượng đường ít hơn. Trước khi ngâm phải gọt vỏ, ngâm qua nước cho đỡ chát rồi phơi cho se mặt.

Ban đầu, uống rượu táo mèo, ta tưởng như uống một loại nước giải khát thông thường. Thế nhưng càng uống mới càng thấm cái vị của núi rừng Tây Bắc.

6. Cải mèo

Rau cải Mèo của Sa Pa được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát.

Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quyện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.

Rau cải Mèo còn hấp dẫn nếu được xào với thịt bò, đặc biệt là thịt hun khói. Những sợi rau giòn, dai kết hợp với món thịt hun có vị đậm đà rất riêng tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực vùng cao.

Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok