Lẩn khuất giữa những mảng tường cũ kỹ, căn nhà số 619 văng vẳng tiếng ho lụ khụ. Ông Nguyễn Văn Tấn đang nặng nề rót ly nước trên bàn, tay run run cầm đến giục người vợ nằm trên giường dậy. Ba năm nay, ông vẫn cho vợ là bà Nguyễn Thị Ngọt uống thuốc đều đặn như vậy mỗi ngày kể từ lúc bà gặp cơn tai biến khiến đôi chân yếu dần, không còn đứng vững.
Trước đó, những ngày bà Ngọt còn khỏe, sáng sớm nào ông Tấn cũng dẫn vợ từ lầu sáu xuống đất tập thể dục, rồi đi ăn sáng tại xe hủ tiếu đầu hẻm. Sau đó họ tay trong tay dạo khắp khu phố, chào mọi người xung quanh rồi lại cùng nhau đi mua thức ăn. Trở về phòng lúc trời quá trưa, ông Tấn tự tay nấu những món ăn ngon nhất cho vợ.
Hai vợ chồng ông Tấn lấy nhau khi cùng 19 tuổi. Người chồng trước kia là công nhân tại Xưởng đóng tàu Ba Son. 72 năm chung sống, bà Ngọt không phải đi làm bất cứ một ngày nào bởi người chồng không muốn vợ phải chịu khổ cực, kể cả khi đã có với nhau sáu mụn con.
Giờ đây khi đã già, con cái ai cũng có gia đình riêng, tình cảm hai vợ chồng lại càng thắm thiết. Thấy bà Ngọt không còn tự di chuyển được, các con sắm cho mẹ một chiếc xe lăn. Vậy là những khi cho vợ uống thuốc xong, ông Tấn lại tích cực đẩy bà Ngọt ra ngoài hành lang hóng gió. Với độ tuổi quá cửu tuần, thật khó để tin ông lão có thể làm được chuyện như vậy (ảnh).
Hai vợ chồng đều đã bắt đầu yếu. Nhiều đêm đang chợp mắt, nghe tiếng người vợ thở hộc hệch, ông Tấn giật mình, hỏi han liên tục nhưng chẳng nghe tiếng trả lời vì cả hai đều đã lãng tai. Mấy hôm nay ông không còn tự nấu ăn được bởi tay đã quá run, đứa con gái út sống cùng khu chung cư mỗi ngày đem thức ăn đến cho hai người. Ông Tấn lại sắm vai “bảo mẫu” dỗ vợ ăn, dỗ cả chính bản thân mình phải luôn lạc quan để cùng nhau dắt díu nốt quãng đời còn lại.
Giữa phố thị ồn ào, lối sống kim tiền làm chủ từng ngóc ngách, ít ai chống lại được bánh xe thời gian để ở bên nhau lúc hoàng hôn cuộc đời lâu đến vậy.
Tác giả bài viết: Hoàng Lê