Cuộc sống

Mối lo trả nợ cá độ cho chồng sau World Cup

World Cup là niềm đam mê của đa số những đức lang quân, nhưng với nhiều bà vợ thì đây là giai đoạn bị chồng bỏ bê, thậm chí còn mê mẩn với cá độ và đẩy cả nhà vào cảnh nợ nần. Nhiều người vợ cắn răng trả nợ cho chồng, nhưng mùa bóng sau chồng lại vác khoản nợ mới về.

Nhiều người mê cá độ bóng đá đã làm gia đình khuynh gia bại sản. Ảnh: T.L

Chồng cá độ thua, vợ lên mạng rao “bán trứng” trả nợ

Chị Hoài Anh (ở Hải Phòng) đã gạt nước mắt tới lần thứ… “n” vì trả nợ cá độ cho chồng. Anh chị có hai con, đang tuổi ăn học nên rất tốn kém, nhưng chị vẫn cố tích cóp để định cơi nới căn hộ tập thể cho các con có chỗ học, ngủ tử tế. Vậy mà vì chồng ham cá độ hết mùa bóng nọ tới mùa bóng kia nên tiền định sửa nhà cứ “đội nón” ra đi. Đá bóng với người khác là yêu thể thao, nhưng với chồng chị Hoài Anh là sự ăn thua, hy vọng may rủi…

Vì ông chồng hoạt ngôn, có đủ kiểu vòng vo, họ hàng, người công ty… nên nhiều người dính nợ. Chị đã làm đơn ly hôn nhiều lần, nhưng chồng không ký, một mực xin lỗi bố mẹ hai bên, xin lỗi vợ con “cho một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm”… Mỗi lần thế chị lại thương hai con, thương cha mẹ già nên đã tha thứ tới “n” lần, trả nợ mỗi mùa bóng từ 50 triệu đồng, tới hàng trăm triệu cho chồng, khiến chị quá mệt mỏi. Lần này chị quyết gặp luật sư để xin tư vấn ly hôn đơn phương, bởi chị không thể cứu một con nghiện cá độ bằng tuổi trẻ, sức lực, tiền bạc và tương lai của các con. Chị muốn con chị phải được sống trong một môi trường “sạch”.

Hình thức trả nợ cá độ mới của năm nay, đó là một người vợ đã rao "bán trứng" lấy tiền trả nợ cho chồng lên đến hàng trăm triệu. Do chủ nợ siết ngặt quá, người vợ đã rao “bán trứng” của mình cho phụ nữ hiếm muộn, với giá 15 triệu đồng/lần để có tiền trả nợ cho chồng.

Đa số người nói nợ cá độ do chồng gây ra thì chồng chịu, sao vợ phải chịu đựng đau đớn khổ sở một mình? Họ khuyên người vợ hãy nói chuyện với hai bên gia đình để mọi người giúp đỡ, chứ “bán trứng” cần có thời gian làm thủ tục (tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tục từ 2-4 tuần chưa kể các xét nghiệm liên quan khác), đã có trường hợp kích quá liều nên buồng trứng phình to, rồi dẫn đến vô sinh, chưa kể các biến chứng như suy thận, vỡ hay xoắn các nang noãn, tắc mạch máu, phù phổi và tử vong.

Chỉ một phút bốc đồng của chồng để gia đình túng quẫn, vợ phải “bán trứng” để xoay tiền trả nợ cho chồng mà chưa biết có thể sẽ xảy ra những nguy hại gì cho sức khỏe. Nhiều người khuyên người vợ nhìn nhận lại cuộc hôn nhân, bởi máu cá độ chơi rồi sẽ nghiện, còn trẻ thì “bán trứng” trả nợ, sau này lấy gì để bán!

Thông gia trở mặt

Bảy năm lấy chồng thì cả bảy năm chị Lê Thị Thảo (ở Hà Nội) đều phải cáng đáng trả nợ cá độ cho chồng mỗi mùa bóng. Vì cá độ, mà anh chồng đã đưa cả nhà từ ngôi nhà mặt phố to rộng gần 100m2 dồn về ở trong căn nhà 3 tầng bé xíu sâu trong ngõ. Tưởng sau biến cố đó chồng sẽ chừa, nhưng mới hết nửa mùa bóng đã có vài người lạ mặt tìm đến nhà. Lúc đó chị mới biết chồng đã mượn nhiều đồ của anh em trong công ty đi cầm cố và số nợ cá độ tới nửa tỉ. Chị vội vàng bán hết đồ đạc trong nhà để trả nợ. Bố mẹ chồng cho thêm 100 triệu đồng, nhưng số nợ vẫn còn hơn 200 triệu đồng nữa.

Hai vợ chồng giờ chẳng còn gì, họ hàng làng xóm thấy nhà chị mượn gì đều ngại vì sợ bị đem đi cắm. Đã thế bố mẹ chồng còn gọi điện cho bố mẹ đẻ của chị ở quê lên để cùng giải quyết số nợ cá độ của con rể. Họ nói rõ: Một là con gái ông bà làm vợ mà không biết dạy bảo chồng, để chồng đánh bạc nợ cả gia tài mà không hay biết. Hai là, nhà ngoại tử tế thì phải tìm cách trả giúp con rể hơn 200 triệu đồng còn lại.

Tất nhiên là bố mẹ chị từ chối, bởi ở quê làm nông nghiệp chẳng có của ăn của để, không có số tiền lớn như vậy, cũng không thể vay mượn để trả cá độ cho con rể. Họ cho con gái khoảng 50 triệu đồng… Và nhà chồng mát mẻ: “Con rể ông bà nợ số tiền lớn như vậy mà ông bà chỉ cho được 50 triệu thì khác nào coi nó là người dưng. Nhà này hết phúc thật rồi khi con dâu và thông gia máu lạnh, bỏ rơi con rể lúc khó khăn”.

Lúc đó chị đã uất ức bảo, chồng con gây ra sao ông bà lại bắt bố mẹ đẻ con trả? Thế là bố mẹ chồng đuổi mẹ con chị về nhà ngoại, còn rêu rao là “lúc sướng thì ở, lúc chồng nợ nần thì ôm con bỏ đi, thông gia coi trọng tiền hơn con rể…”. Cả tuần nay chồng chị liên tục về xin lỗi bố mẹ vợ, xin lỗi vợ, nhưng chị biết chồng chỉ lẻo mép hứa sẽ không cá độ thế thôi, còn chứng nào vẫn tật đấy. Chị đã mệt mỏi và mất niềm tin ở chồng, vì chồng mà thông gia trở mặt, vợ con túng bấn, nheo nhóc. Chị muốn ly hôn để giũ hết gánh nặng…

Phụ nữ không nhất thiết phải trả nợ cho chồng

Theo Luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), theo quy định của pháp luật dân sự và hôn nhân gia đình thì vợ chồng có trách nhiệm về "nợ chung" phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, không phải bất cứ khoản vay nợ nào của chồng hay vợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân cũng đều xem là "nợ chung", mà chỉ các khoản nợ nào của chồng hoặc vợ vay mượn mà người kia biết rõ và khoản nợ đó vay mượn là để phục vụ cho mục đích sử dụng chung của gia đình.

Các khoản vay mượn nợ của vợ hoặc chồng mà người kia không biết, phục vụ riêng cho mục đích của riêng một người, dùng để thực hiện giao dịch không được pháp luật công nhận (cá độ bóng đá) không được xem là "nợ chung", mà là nợ riêng của người vay mượn.

Vì vậy, khoản nợ mà người chồng vay mượn để cá độ bóng đá là khoản nợ riêng của người chồng, người chồng tự chịu trách nhiệm với chủ nợ và người vợ hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì trong việc trả khoản nợ này. Người vợ hoàn toàn có quyền từ chối không tiếp, không trả, không dùng tài sản chung của vợ chồng để trả khoản nợ này.

Luật sư Hoàng cũng cho biết, nếu có sự đe dọa đến sự an toàn về sức khoẻ tính mạng thì các bà vợ có quyền yêu cầu cơ quan công an bảo vệ quyền công dân của mình.

Tác giả: Uyển Hương

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok