Tôi có anh bạn đồng nghiệp, vừa đi họp phụ huynh cho con về. Năm nay, gia đình anh có hai cậu con trai nhập học lớp 1. Chồng làm công nhân, vợ chạy chợ lo cho con gái lớn học lớp 7, hai cậu con trai vào lớp 1 thật vất vả. Bạn tôi ngoài việc cơ quan thì đôn đáo làm thêm đủ thứ việc mà vẫn than thở hết tiền vì 3 con đi học tốn kém đủ đường. Sợ nhất là đầu năm học, tiền đóng học cho 3 con là khoản tiền lớn, ăn tiêu hàng ngày có thể cắt giảm chứ tiền đóng học cho con thì mỗi năm học tăng thêm chút ít. Những gia đình dư giả thì tiền đóng học đầu năm cho con quá đơn giản, chỉ có những gia đình công nhân, nông dân là cảm thấy đau đầu lo lắng. Nuôi con ăn học sao tốn kém quá chừng.
Có những câu chuyện thật mà như đùa. Chị bạn tôi, chồng mất sớm, đi làm tối ngày nuôi 2 con. Đầu năm học mới, chị đến vài nhà bạn bè quen thân xin lại sách cũ về cho con học. Thời buổi khó khăn, bớt được đồng nào hay đồng ấy, một bộ sách giáo khoa mới cũng có giá vài trăm ngàn. Con chị học cấp 1, học lại sách cũ của các anh chị đâu được khoảng 2 năm thì cô giáo nhắc phải mua sách giáo khoa mới, không được dùng sách cũ. Thế có oái oăm không, con trai chị nhất nhất nghe lời cô giáo, phụng phịu với mẹ và chị thương con nên từ năm ấy là đặt mua sách mới cho con. Tôi chợt nhớ thời xưa đi học, toàn học lại sách cũ có quyển đã sờn mép mà tôi và lũ bạn vẫn vui vẻ, hân hoan với từng bài giảng của thầy cô. Chị bạn tôi bảo, sách đã học qua 1 năm còn mới tinh mà không được dùng lại, lãng phí thật, nhiều nhà con học hết năm học là cả bộ sách giáo khoa đem bán đồng nát, được vài ngàn đồng, đủ mua que kem cho trẻ con. Có người tiếc rẻ thì cứ xếp gọn góc nhà, nghe ngóng xem có ai hô hào góp sách cho các bạn vùng cao để gửi đi...
Anh bạn tôi kể với giọng đầy bức xúc: Họp phụ huynh, cô giáo hô hào cả lớp góp tiền mua điều hòa chống nóng, máy chiếu và máy tính để cô giáo dạy cho các con, tiền xây dựng đầu năm, các loại quỹ từ khoản nhỏ nhất như tiền nước uống, tiền phô tô tài liệu, tiền chi cho các ngày lễ tết, tiền mời giáo viên nước ngoài về dạy tiếng Anh cho các con. Nghe liệt kê các khoản phải đóng mà anh thấy xây xẩm mặt mày. Nhà có 1 đứa con đã thấy mệt mỏi huống chi gia đình anh có hẳn 2 con trai vào lớp 1.
Không may cho anh là lớp con anh theo học, đa phần là phụ huynh có điều kiện. Cô đưa ra yêu cầu gì là phụ huynh giơ tay rào rào tán thành. Chỉ có số ít phụ huynh còn khó khăn, không muốn con mình bị cô cho vào tầm ngắm ngay từ buổi đầu nên đành ngậm ngùi đồng ý đóng góp. Riêng khoản tiền mời thầy nước ngoài về dạy tiếng Anh mỗi tháng là 150 ngàn đồng. Mỗi khoản đóng góp từ vài chục tới vài trăm ngàn đúng là một khoản tiền không nhỏ.
Anh bạn tôi nhăn nhó kể: 3 đứa ăn học, đầu năm đủ các loại tiền phải lo gần 10 triệu, quá mệt mỏi. Mấy anh em đồng nghiệp vỗ vai anh trêu đùa vài câu cho anh bớt căng thẳng. Tôi bảo, chuyện này có gì khó, mỗi ngày vợ chồng anh chỉ cần bỏ lợn nhựa 30 ngàn, 1 tháng có 1 triệu, 1 năm có hẳn 12 triệu nuôi con đi học thoải mái. Anh nói, đâu có dễ thế, hàng ngày biết bao thứ phải chi từ lo ăn uống cho bọn trẻ, hiếu hỷ ốm đau hai bên gia đình, tiền dành dụm hàng tháng chẳng đáng là bao. Nuôi con ăn học mới từ cấp 1 đã thấy mình phải căn cơ, hà tiện quá mức đây.
Chị lớn tuổi nhất phòng còn nói oang oang: Thế đã thấm tháp gì, đến lúc chúng nó vào cấp 2, riêng tiền học thêm 3 môn chính, 1 tháng hết đứt 1 triệu, bố mẹ phải lo ngay từ bây giờ, bóp mồm bóp miệng ngay từ bây giờ thì mới chịu được nhiệt...
Anh bạn tôi cứ lẩm bẩm: Con mới vào lớp 1, tiếng Việt còn chưa sõi, tiếng Anh chỉ cần làm quen vừa chơi vừa học thôi, cần gì phải mời thầy nước ngoài, tốn kém đủ đường. Thế sao anh không phát biểu xem cô giáo giải thích ra sao? Anh kể, mình chưa kịp nói gì thì nhiều phụ huynh trong lớp đã nhiệt tình ủng hộ, họ còn cho con đi học thêm ở trung tâm từ lúc 3-4 tuổi cơ. Thôi thì cứ im lặng chấp hành cho nhanh. Nộp tiền đầu năm xong mà thấy nhà như mất cắp, chẳng riêng gì anh đâu, nhiều gia đình cứ đầu năm học đóng tiền cho con xong là về nhà cắt giảm mạnh các khoản chi trong nhà. Khu chợ nơi tôi ở, đầu tháng 9 là các cô bác hàng rau, hàng thịt kêu om lên, buôn bán ế ẩm, chợ lúc nào cũng đìu hiu vắng khách. Các cô bác ấy bảo, đầu năm học công nhân, nông dân lo đóng học cho con, hết cả tiền đi chợ, đáng mua 10 thì khách chỉ mua 3, mua 5...
Con đi học bây giờ có đâu đơn giản như thời bố mẹ ngày xưa, quần áo, sách vở toàn dùng đồ cũ. Trẻ con giờ đến trường xúng xính váy áo, sách vở, thứ gì cũng mới tinh, năm học nào cũng có thêm chủ trương mới kèm theo khoản đóng góp mới, thứ gì cũng hợp lý hợp tình, cũng tốt cho sự phát triển của con. Chỉ có bố mẹ, nén tiếng thở dài sau buổi họp phụ huynh, trẻ con giờ đi học tốn kém thật!
Tác giả: Thanh Mai (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Nguồn tin: Báo Dân trí