Giáo dục

Khoản thu trường học: Đừng lấy học sinh làm “bức bình phong”!

Con em đi học, học phí thì chừng mực theo quy định nhưng “phụ phí” rất nhiều. Đầu năm học, các khoản đóng góp ngoài học phí thực sự là nỗi sợ của nhiều phụ huynh.

Không nên ép buộc phụ huynh “phải” đóng góp các khoản tự nguyện

Sau buổi học đầu tiên, trẻ đem về cho phụ huynh một tờ giấy thông báo các khoản nộp trong năm học dài như... tờ sớ. Phụ huynh tái mặt, trẻ thì vô tư giục phụ huynh nộp sớm như lời cô giáo dặn.

Phụ huynh đóng không biết bao nhiêu khoản tiền cho con, các khoản đó núp dưới bóng chữ “ủng hộ”, “quỹ”, “đóng góp”, “vận động”. Gánh nặng oằn lên vai phụ huynh, nào là quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, quỹ khen thưởng, quỹ thanh niên, quỹ đoàn, quỹ đội, quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ vệ sinh, quỹ vì bạn nghèo, quỹ khen thưởng, quỹ đền ơn đáp nghĩa, các khoản đóng góp “ủng hộ” văn nghệ, cắm trại, thành lập trường, xây dựng trường chuẩn, sửa chữa cơ sở vật chất ... Một khoản từ vài chục cho đến vài trăm ngàn, cộng dồn lên đến triệu đồng. Nếu mỗi trường khoảng 1 nghìn học sinh, thì đây là nguồn thu không phải nhỏ. Các khoản thu này nằm trong danh mục “tự thu, tự chi”, không được cơ quan cấp trên kiểm tra, kiểm toán nên nhà trường thỏa sức “tự tung tự tác”.

Đáng nói là tất cả các khoản thu trên nhà trường thông báo nộp một lần trong một khoảng thời gian ngắn cùng học phí, lệ phí bán trú, bảo hiểm y tế học sinh. Hỏi dân nghèo lấy đâu ra một lúc ngần ấy tiền nếu có 2 con đi học? Trong khi đó phụ huynh còn phải sắm xe cộ, sách vở, quần áo, giày dép, tiền trọ, tiền ăn (đối với học sinh học xa nhà). Thế bảo sao nhiều em đầu năm học không đến lớp? Cách đây vài chục năm, học sinh dễ dàng chấp nhận đi học mặc quần áo cũ, đi xe đạp cà tàng, mang dép nhựa, ăn rau mắm đi học. Còn học sinh ngày nay hiếm em nào chấp nhận điều đó. Xin đừng trách các em. Trước đây, học sinh tuy nghèo nhưng hầu như ai cũng như nhau, ít khoảng cách phân biệt. Còn ngày nay khoảng cách giàu nghèo rất lớn, ở lứa tuổi mới lớn các em rất nhạy cảm, biết sỹ diện trước bạn bè, thầy cô.

Chi phí học tập đâu chỉ là học phí? Học phí hiện nay không cao lắm, chi phí ăn ở và các “phụ phí” mới đáng sợ hơn nhiều. Tôi chứng kiến nhiều em “chạy tới chạy lui” với năm, ba loại giấy tờ công chứng để xin giảm 50% học phí, khoảng dưới 200 nghìn đồng, trong khi đó các khoản đóng ngoài học phí cao gấp 5, 7 lần như thế.

“Cái khó bó cái khôn”, nhiều phụ huynh cho rằng nếu có điều kiện thì cho con em họ học đến nới đến chốn, bằng không thì cho các em nghỉ học, giúp đỡ gia đình, còn hơn học nửa chừng rồi cũng bỏ, vì gia đình không thể đủ điều kiện.

Xin nhà trường đừng lấy học sinh làm “bức bình phong”. Các em đang đi học, nhiều em gia đình khó khăn phải nhịn ăn sáng, không có tiền ở trọ, phải đạp xe cả chục cây số đi học, các em lấy đâu ra tiền để ủng hộ, đóng góp? Vậy là “trăm dâu đổ đầu tằm”, đổ lên vai phụ huynh. Đó là chưa kể nhiều em phải học thêm, rẻ nhất cũng phải 200-300 nghìn đồng/môn/tháng. Tất cả các khoản đóng góp, các khoản nộp ngoài học phí đều được hợp thức hóa dưới danh nghĩa “tự nguyện” và “xã hội hóa giáo dục”. Hiệu trưởng viết thư kêu gọi, giáo viên chủ nhiệm vận động, ban đại diện phụ huynh nhà trường “nhất trí”. Thế thì hỏi phụ huynh, học sinh nào “dám” không đồng ý? Liệu giáo viên có đối xử công bằng với những học sinh có phụ huynh không chịu “tự nguyện” đóng góp hay có ý kiến phản biện? Liệu các em có bị mặc cảm không, khi giáo viên chủ nhiệm, nhà trường nhắc nhở, nêu tên trước lớp, trước trường? Phải chăng đây là lý do nạn lạm thu học đường không hề giảm?

Tác giả bài viết: Xuân Chiến

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok