Nhân ái

"Mệnh lệnh từ trái tim" người vợ ung thư vú di căn phổi, hoại tử ngực sâu hoắm nhét vừa quả cam

Chịu đựng đến khi khối u vỡ ra, vết hoại tử khoét sâu vào da thịt nhét vừa quả cam, cô Đặng Thị Thanh Hiền (Nhà 36, ngõ 3 Xã Đàn, Hà Nội) mới nhập viện cấp cứu. Lúc này, lòng ham sống trong cô mới trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Mệnh lệnh “phải sống” từ trái tim

Phát hiện ung thư vú vào năm 2015, cô Hiền đã định cứ để căn bệnh ung thư hủy hoại mình cho đến chết, để không phải tiêu tốn một đồng tiền mồ hôi nước mắt nào của con.

Nhưng sau biến cố chồng bị ngã cầu thang, phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ một tay cô Hiền chăm sóc, cô mới ý thức được giá trị mạng sống của mình.

Cô Hiền vỗ về khi chồng lên cơn ho sặc sụa. Ảnh: Thu Hà

Tháng 3/2017, gần hai năm sau khi phát hiện bị ung thư vú, cô Hiền phải nhập viện Ung bướu Hà Nội cấp cứu. “Lúc đó, khối u đã vỡ được ba ngày, lở loét, bốc mùi hôi thối không ai chịu được. Vậy mà bác sĩ, y tá vẫn vừa tự tay rửa vết hoại tử cho tôi vừa động viên ở lại bệnh viện điều trị”, cô Hiền kể lại.

Bác sĩ mắng té tát vì không thể hiểu nổi ngay giữa lòng Hà Nội mà vẫn có người để u to, hôi thối, vỡ ra mới chịu đi viện. Ai cũng phải kinh hãi khi nhìn bầu ngực sưng tấy có vết nứt sâu vào tận xương, có thể nhét vừa một quả cam vào trong. Cô Hiền được bác sỹ chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 4B, di căn phổi không thể phẫu thuật được nữa.

Lực bất tòng tâm, cô Hiền ngóng đợi một phép màu nào đó đến với cuộc sống khốn khó của gia đình cô.

Biết hoàn cảnh của cô Hiền, ai cũng phải rơi nước mắt vì cảm thương. “Tôi từng muốn bỏ bệnh viện, cứ để ung thư hủy hoại mình cho đến chết. Nhưng chị Trần Thị Cẩm Bào, một người đồng bệnh ung thư vú đã kéo tôi trở lại bệnh viện. Mặc dù không có điều kiện nhưng chị bảo sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ, động viên tôi có thêm niềm tin điều trị”, cô Hiền bộc bạch.

Trường hợp của cô chỉ có thể truyền hóa chất, điều trị duy trì cho đến cuối đời. Suốt hai tháng nằm viện cấp cứu, cô chỉ lo lắng chồng ở nhà phải nhờ người khác đến chăm nom. Và mệnh lệnh “phải sống” cất lên từ trái tim yêu thương chồng con, không cho phép cô Hiền được gục ngã.

“Anh thương em nhưng không biết làm thế nào”

Hiện cô Hiền đã qua được 11 đợt truyền hóa chất, mỗi đợt cách nhau 21 ngày. Truyền hoá chất về mệt mỏi nhưng cô Hiền chỉ nằm nghỉ một ngày, rồi sau đó lại tần tảo lo lắng cho chồng, cơm nước cho con cái đi làm về có cái ăn.

Những lúc tỉnh táo, chồng cô Hiền thường nói “thương vợ”. Thấy vợ đau cứ ôm ngực, chú nghẹn ngào bảo “Em uống thuốc giảm đau chưa? Anh thương em nhưng không biết làm thế nào”.

Căn nhà dột nát của vợ chồng cô Hiền nằm lọt thỏm giữa một trong những con phố sầm uất nhất Hà Nội.

Nhưng lúc không tỉnh táo, chú Hùng lại quay mặt vào tường nói liên thiên hoặc chống đối vợ. Đôi lúc người đàn ông này còn gọi vợ mình là ‘chị’, khi con gái gọi thì ‘dạ, vâng’.

Có hôm chú xé bỉm, không cho vợ thay bỉm, làm vệ sinh cho mình. Nghĩ tủi thân, cô Hiền bật khóc “Sao anh không thương em?”. Thấy vợ khóc, người đàn ông lúc mê lúc tỉnh ấy lại rối rít xin lỗi, để vợ thay rửa.

Với sức khỏe hiện tại, cô Hiền chỉ có thể vệ sinh cá nhân, lau rửa, xúc cho chồng ăn. Mỗi tuần, con gái lớn sẽ đi từ Sơn Tây xuống “khiêng” bố ra sân tắm một lần.

Cô Hiền cho biết, chồng cô có triển vọng điều trị nhưng bởi quá nghèo nên sau hai lần đi bệnh viện cấp cứu, cô đành lực bất tòng tâm để chồng nằm liệt đó, chữa vá víu, ai hảo tâm cho tiền lúc nào thì mua thuốc lúc ấy.

Cô Hiền trò chuyện với con gái út qua điện thoại. Trưa nào con gái cô cũng gọi điện hỏi tình hình sức khỏe của bố mẹ.

Mặc dù đã có bảo hiểm y tế 100%, thuộc diện hộ nghèo nhưng gánh nặng điều trị cho bố mẹ vẫn đè lên đôi vai của người con gái út. Chỉ riêng tiền bông băng thấm hút dịch dành cho cô Hiền đã mất tới 500.000 đồng/ tháng.

Cũng có lúc cô Hiền bi quan, muốn buông bỏ vì quá nghèo nhưng chồng con trở thành động lực để cô không bỏ cuộc.

Bản thân cô cũng rất muốn chữa trị ngay từ những ngày đầu phát hiện bệnh tật. Cô cảm thấy tiếc nuối, luôn ước giá như được điều trị từ năm 2015 thì có lẽ, giờ cô đã khỏe từ lâu rồi.

Mỗi ngày được nhìn thấy người thân, chăm sóc chồng là lý do cô Hiền không bỏ bệnh viện.

Nhưng cái nghèo đeo đẳng, chỉ đến khi chồng bị bệnh thì cô mới thực sự quyết tâm chữa ung thư thì đã tuột mất “giai đoạn vàng” điều trị. “Đau đớn, mệt mỏi tôi cũng chịu đựng được. Chỉ mong ông trời cho tôi sống để tôi còn chăm sóc chồng”, cô Hiền đau đớn nói.

Sau 8 tháng truyền hóa chất, khối u đã nhỏ lại, hố thịt đầy lên nhưng vẫn không hết chảy dịch. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thắp lên trong cô Hiền ánh sáng hy vọng được ở lại lâu hơn nữa bên chồng và các con. Chúng tôi ước ao có phép màu nào đó đến với gia đình đã chịu đựng quá nhiều giông bão này.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: emdep.vn

  Từ khóa: bệnh viên , chăm sóc , chồng , ung thư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok