Tháng 2-2012, TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm và tuyên phạt 12 năm tù giam đối với bị cáo Cao Thị Bình (SN 1985, ngụ xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về tội "Giết người". Phiên tòa ấy diễn ra trong lặng lẽ nhưng những ai chứng kiến cũng không khỏi "sốc" khi biết bị hại lại chính là con đẻ mới 6 tháng tuổi của Bình.
Trong cơn bế tắc lại nghe thầy bói
Theo người dân địa phương, Bình là một cô gái xinh xắn, hiền dịu. Năm 2006, Bình lập gia đình với anh Lê Vạn Vụ, một thời gian sau thì sinh hạ được 1 bé trai đặt tên là Lê Vạn Hùng. Không may, cháu Hùng mắc bệnh bại não không thể đi lại được. Vợ chồng Bình vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con nhưng không khỏi, từ đó nợ nần càng thêm chồng chất.
Vùng quê Hoằng Châu (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) - nơi xảy ra sự việc mẹ giết con vì nghe lời thầy bói Ảnh: TUẤN MINH |
Đến năm 2011, Bình sinh thêm 1 cháu trai đặt tên là Lê Vạn Dũng. Cuộc sống khó khăn, để có tiền lo cho gia đình, anh Vụ phải lên Hà Nội làm phụ hồ, bốc vác. Ở nhà, ngoài trông con, Bình mở 1 tiệm may và bán hàng tạp hóa. Những tưởng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cứ thế bình yên trôi đi, ai ngờ tai họa ập đến.
Do thấy cuộc sống quá khó khăn, bế tắc lại nghe đồn có một thầy bói trên địa bàn huyện mới nổi, phán tướng số rất đúng nên Bình tới xem vận hạn. Nghe thầy bói nói tương lai sắp tới quá mờ mịt và cảnh khó khăn chẳng biết bao giờ mới thoát được, Bình tuyệt vọng dùng tấm chăn quấn cháu Dũng đến chết ngạt rồi tự sát nhưng không thành. "Chuyện đau lòng đó qua lâu rồi nhưng tôi vẫn không hiểu sao một người trẻ tuổi, sống ở thế kỷ XXI lại có thể tin vào những chuyện bói toán nhảm nhí. Càng không thể hiểu tại sao người phụ nữ hiền lành như Bình lại mê muội đến nỗi giết hại chính con đẻ của mình" - một người dân xã Hoằng Châu xót xa.
Cũng vì mê tín một cách mù quáng mà bà Huỳnh Lan Thảo (SN 1973, ngụ quận 5, TP HCM) phải chấp hành bản án 3 năm tù vì đã góp phần gây ra cái chết của con trai mình.
Con trai bà Thảo có biểu hiện trầm cảm nên thường xuyên la hét và phải nghỉ học khi vừa xong lớp 9. Tin rằng "có bệnh thì vái tứ phương" nên bà thường xuyên dẫn cháu đi chùa với hy vọng sẽ mau lành bệnh. Từ đó, con trai bà tin rằng mình có "căn tu" nên thường xuyên lên mạng xem thông tin, clip về cúng bái, lên đồng. Sau đó, cháu tự mua quần áo, dây vải, chuông mõ về thờ cúng.
Mê muội theo con trai, vào đêm giao thừa năm 2014, Thảo rủ thêm 4 người bạn về nhà tụng niệm và dự lễ "thánh hồi sinh". Trong lúc cúng, con trai bà Thảo dùng dây đỏ quấn quanh cổ rồi kêu mẹ và những người khác siết thật mạnh khiến cháu tử vong.
Mời thầy pháp đánh bầm dập người thân
Bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1970, ngụ Bình Dương) thời gian gần đây có biểu hiện nói nhảm, thường xuyên uống rượu hoặc nhắc chuyện xưa, tên của những người đã khuất. Gia đình nghi ngờ bà bị "người cõi âm" nhập nên chạy chữa, khấn vái tứ phương.
Qua một người quen giới thiệu, gia đình mời một thầy pháp ở Đắk Lắk về trừ tà cho bà. Để trục xuất "con ma" ra khỏi người bà Thủy, thầy pháp đã dùng 9 cây roi mây đánh liên tục 90 phút. Dù cơ thể bà Thủy bầm tím, phù nề nhưng "thầy" phán "con ma" chưa xuất nên tiếp tục đánh thêm 90 phút.
Thấy chị bị đánh, người em gái là Nguyễn Thị Nhàn (SN 1983) đau xót chảy nước mắt và cũng bị thầy pháp phán "ma nhập" và dùng roi mây đánh.
Sau khi bị đánh, chị em bà Thủy thương tích đầy người, khó thở nên được người nhà chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bà Thủy bị đa chấn thương, suy hô hấp, chấn thương khoang cổ trái, suy thận cấp phải cấp cứu đặc biệt. Chị Nhàn bị suy thận cấp, sức khỏe ổn định hơn bà Thủy. Sau một tuần nhập viện và được điều trị tích cực, hai chị em mới qua cơn nguy kịch.
Trải qua những giây phút kinh hoàng khi chứng kiến mẹ mình bị đánh chết đi sống lại, con trai bà Thủy bức xúc: "Người nhà vì mê muội nên đã kêu thầy pháp về trừ tà và hậu quả là ông ta đã đánh mẹ cũng như dì tôi bầm dập. Tôi muốn vào can cũng không được vì thầy pháp và gia đình nói tôi kỵ tuổi, vào thì mẹ tôi sẽ chết nên tôi không dám cãi lời".
Bác sĩ Vũ Dzuy, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp uống bùa để trừ tà nhưng chưa thấy ai bị đánh đến mức nhập viện như vậy. "Người dân không nên mời thầy pháp về trị bệnh theo phương pháp dân gian như thế này, rất nguy hiểm" - bác sĩ Dzuy cảnh báo.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-12
Nên thay đổi cách quản lý bói toán TS Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa), cho rằng bói toán là một hoạt động mang tính xã hội. Vì mang tính xã hội nên nó mới gây chuyện này, chuyện kia trong đời sống và muốn xóa bỏ cũng không dễ. "Cần có một cơ quan quản lý nhà nước giám sát, hướng dẫn người ta hoạt động và thực hiện bói toán như thế nào cho đúng chứ cứ bảo bắt bớ này nọ là hơi khó. Bởi đối với một hình thức văn hóa, tín ngưỡng mà dùng biện pháp đó là không ổn" - ông Tuấn nêu quan điểm. Ông Tuấn cũng cho rằng việc bảo tồn di sản cũng có chuyện bói toán, đây cũng có thể được xem là phạm trù về khoa học. "Tín ngưỡng thì có cái thuận, cái nghịch. Lâu nay chúng ta cứ quan niệm cái gì trái ngược thì coi đó là dị đoan nhưng thực ra tất cả đều do con người sáng tạo ra. Mục đích của nó là vì con người mong muốn cuộc sống tốt đẹp lên chứ không được lợi dụng tín ngưỡng của con người để làm những việc sai trái" - ông Tuấn nói. |
Tác giả: TUẤN MINH - PHẠM DŨNG
Nguồn tin: Báo Người lao động