Nỗi đau không thành lời
Bà Phạm Thị Thương - Trưởng thôn Đồng Lư Hạ: “Khổ lắm anh ạ. Gia đình nhà bà Vì có 4 người thì có đến 3 người đều hâm dở, ngây dại. Nhiều lúc trái gió trở trời, các con cháu của bà Vì lao vào đánh cãi lẫn nhau gây ồn ào cả xóm làng”.
Năm 1981, bà Vì nên duyên vợ chồng với ông Trương Văn Trúc. Không lâu sau đó, ông bà sinh hạ được 2 người con đủ nếp đủ tẻ: Trương Thị Ngân (SN 1982) và Trương Bá Chiêu (SN 1984).
Bà Vì bên cạnh cô con dâu chậm chạp |
Năm lên 7 tuổi, anh Chiêu có những biểu hiện lạ như ngồi góc nhà lẩm bẩm một mình trong vô thức, rồi nặng hơn thì đập phá đồ đạc, đánh chửi mọi người và bỏ đi đâu không ai biết. Hai ông bà tìm kiếm anh Chiêu khắp xóm cùng ngõ hẻm, cuối cùng tìm được anh tại ngôi nhà hoang ven sông. Phát hoảng, vợ chồng bà Vì đưa con đi chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng bệnh tình anh Chiêu không thuyên giảm. Để giữ con khỏi đi lang thang, đã có lần bà Vì đã xích con vào chân giường. Nhưng lúc lên cơn điên loạn, anh Chiêu thoát khỏi dây xích, đập phá mọi thứ trong nhà. Thậm chí, có lần thay quần áo và cho con ăn, bà Vì bị anh Chiêu lên cơn điên túm tóc, đánh đấm không thương tiếc, phải nhờ đến hàng xóm bà mới thoát khỏi tay con.
Năm 2007, sau nhiều lần mai mối, anh Chiêu nên duyên chồng vợ với chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1976). Tuy vậy, tính tình chị Hiền cũng chậm chạp, nói trước quên sau. Không lâu sau đó, vợ chồng anh chị sinh cháu Trương Minh Chiến (SN 2008). Khổ một nỗi, cháu Chiến từ lúc sinh ra cũng giống bố mẹ của mình khi có dấu hiệu của bệnh tâm thần, ngày đêm chỉ biết la ó, gào thét trong man dại.
“Nhiều lúc trái gió trở trời, cả vợ chồng con cái chúng nó lên cơn đạp phá, lao vào đánh nhau, gào thét. Những lúc ấy, tôi đành chạy sang hàng xóm nhờ họ sang can ngăn. Thậm chí, nhiều lúc, cả ba chúng nó lao vào, đứa túm tóc, đứa cầm que gậy vụt tới tấp khiến tôi hoa mắt chóng mặt nằm viện truyền nước cả tuần", bà Vì nhớ lại.
Nước mắt mẹ già
Hàng ngày bà Vì vẫn gồng mình, vất vả chăm sóc từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân cho các con và cháu. Lúc rảnh rỗi việc nhà, bà Vì tranh thủ sang làng bên đi cấy hái thuê. Vào cuối năm 1995, ông Trúc mãi mãi ra đi vì bạo bệnh. Chồng mất, bà Vì như qụy ngã nhưng thương con, bà lại gạt nước mắt đứng dậy để tiếp tục chăm sóc người con tâm thần.
Gạt dòng nước mắt lăn dài trên hai gò má gầy còm, bà Vì nghẹn lời: “Người ta nói khổ trước sướng sau, còn tôi thì khổ cả đời. Có hôm đã hai, ba giờ sáng mà chẳng thấy thằng Chiêu đâu, đi tìm khắp nơi, mãi gần sáng mới thấy nó nằm lê lết ở chợ cuối làng, mặt mũi thì be bét máu, quần áo thì lấm lem bùn đất, thương con cũng chỉ biết ôm nó khóc, rồi hai mẹ con ôm nhau ngồi vậy cả đêm, mãi đầu sáng mới đưa con về nhà”.
Ngôi nhà ẩm mốc, cũ kỹ của bà Vì |
Cuộc sống của bốn mẹ con, bà cháu chỉ dựa vào mấy sào đất ruộng cằn cỗi nơi cuối xóm trồng ngô và sắn. Thêm vào đó là số tiền trợ cấp dành cho người bệnh tật của anh Chiêu 405.000 đ/tháng cũng không thấm vào đâu so với số tiền đưa các con, cháu đi khám bệnh, thuốc thang lúc ốm đau, bệnh tật. Ở cái tuổi già lúc xế bóng, đáng lẽ bà Vì được an dưỡng tuổi già, nhưng bà phải mò mẫm kiếm miếng cơm, manh áo và chăm sóc cho con, cháu điên dại. “Con dại cái mang, tôi cam chịu cả đời, dù đói, dù no cũng cố chăm sóc các con. Chỉ lo tuổi già như ngọn đèn trước gió, lúc chết đi các con biết nương tựa vào ai”.
Cháu Trương Minh Chiến mới 10 tuổi nhưng cũng có biểu hiện tâm thần |
Bà Phạm Thị Thương - Trưởng thôn Đồng Lư Hạ cho hay: “Hoàn cảnh gia đình nhà bà Vì đặc biệt khó khăn trong thôn. Nhiều lúc thấy vợ chồng anh Chiêu - chị Hiền và đứa con trai mới 10 tuổi cùng lên cơn điên loạn đập phá đồ đạc trong nhà rồi đuổi đánh cả mẹ già và bà nội mà hàng xóm chúng tôi không khỏi thương cảm xót xa. Nhưng do kinh tế của người dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn nên cũng chỉ giúp đỡ động viên tinh thần là chủ yếu”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Bà Đào Thị Vì (ĐT: 0165.264.8850) ở xóm 4, thôn Đồng Lư Hạ, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam |
Tác giả: BÌNH SƠN
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam