Thanh Hằng đam mê kinh doanh và bắt đầu bán hàng online sớm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bà mẹ trẻ chưa thành công. |
Hằng tâm sự, thời điểm đó, cô bán hàng vì đam mê nên không thấy vất vả. Cô từng bán cố định ở một điểm nhưng gặp nhiều khó khăn, có khi dọn hàng ra treo thì trời mưa, lại dọn vào. Hay đôi lúc có công an hoặc lực lượng trật tự đi dẹp đường, Hằng lại phải tạm nghỉ bán.
Hằng chọn hình thức kinh doanh online và đến giờ đã có 6 năm kinh nghiệm và gặp không ít tình huống bi hài. Có hôm, nửa đêm, khách hàng muốn xem ảnh chụp thật của sản phẩm, Hằng phải chui ra khỏi chăn, thử đồ để gửi ảnh cho khách. Lần khác vì chưa kịp giao hàng, Hằng bị một chị lớn tuổi gửi bức thư dài 4 trang giấy để quở trách. Việc trả lời bình luận trên Facebook cũng vậy, nếu không nhanh rất dễ bị khách hàng nổi giận.
Từ 30 triệu đồng tới 50-60 triệu đồng, Hằng vay được bao nhiêu đều đổ vào nhập hàng mới. Lúc này cô sinh viên mới biết, sức mua không lớn như "sức hỏi". Áp lực trả lãi hàng tháng khiến Hằng lo lắng. Cô "điên cuồng" tìm cách bán hàng: Sáng đi học, trưa lướt Facebook tìm khách hàng, tối dọn ra vỉa hè bán.
"Tôi thấy mình như người nổi tiếng, có cả anti-fan. Lâu lâu bị khách hàng mắng mỏ vô cớ là chuyện bình thường", Thanh Hằng hài hước kể.
Chăm chỉ bán hàng lại khá đông khách nhưng Thanh Hằng vẫn thua lỗ. Cô cho đó là "bài học" để nhập môn kinh doanh. Thời gian đầu, Hằng chưa biết mối nhập hàng uy tín. Nhập phải lô sản phẩm lỗi, khách hàng không ưng ý, Hằng phải hoàn tiền. Công đoạn vận chuyển sản phẩm cũng khiến Thanh Hằng nhiều phen "khốn đốn". Cô từng mất trắng một xe hàng vì không xuất trình đủ giấy tờ trước cơ quan công an.
Hằng cho rằng, nguyên nhân thất bại của cô là đam mê nhưng thiếu chiến lược. Thời điểm đó, bà mẹ 9X "làm như chơi". Cô kiếm được bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu. Thỉnh thoảng tâm trạng không tốt, Hằng nghỉ bán đi chơi mấy ngày. Hàng hóa nhập vào nhiều, bán ra nhiều nhưng chỉ đủ trả lãi.
"Thế mới nói từ hai bàn tay trắng làm nên khoản nợ 300 triệu đồng", Hằng nhí nhảnh nói đùa.
'Phát tài' từ khi sinh con gái
Năm 2016, Thanh Hằng mang thai con gái đầu lòng. Vì lo lắng cho cô, mẹ Hằng nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con. Thấy mẹ mất đi nguồn thu nhập, Hằng nghĩ cách bù lại khoản tiền đó. Cô nấu trà sữa và nhập các loại bánh đặc sản về bán. Hằng làm từ sáng đến tối, chạy lên, chạy xuống mấy tầng lầu. Đến tối mệt quá lăn ra ngủ. Nhiều người hỏi bà mẹ 9X: "Sao lúc mang bầu còn làm khỏe hơn cả thời con gái?". Cũng có người nói: "Mẹ tham việc quá sau này con ốm đau"... Nhưng thật may, con của Hằng sinh ra khỏe mạnh. Bé có mái tóc dầy, nước da trắng và đôi mắt long lanh như búp bê.
Từ lúc sinh bé Sarang (tên thân mật của Tuyết Di, con gái Thanh Hằng), bà mẹ trẻ thu gọn việc kinh doanh để tập trung lo cho con. Thỉnh thoảng, cô chia sẻ trên mạng xã hội những tấm hình Sarang mặc đồ ngộ nghĩnh. Dù mục đích ban đầu của Hằng là khoe với bạn bè, nhưng sau đó, nhiều người vào hỏi mua trang phục Sarang mặc khiến Thanh Hằng nảy ra ý định nhờ con gái làm người mẫu cho sản phẩm. Từ lúc 1,5 tháng tuổi, Sarang đã được mẹ "huấn luyện" làm người mẫu. Mỗi ngày, Hằng cho bé thay khoảng 2-3 bộ quần áo rồi chụp ảnh đăng lên Facebook. Thân hình bụ bẫm và biểu cảm đáng yêu của Sarang khiến các mặt hàng của mẹ được chú ý hơn. Công việc kinh doanh của Hằng "phất" lên từ đó.
Bé Sarang làm người mẫu cho các sản phẩm của mẹ từ lúc 1,5 tháng tuổi. Tới nay, bé được 7 tháng tuổi. |
"Thừa thắng xông lên", Hằng lên mạng tự mày mò cách làm marketing online cho sản phẩm. Cô tham gia nhiều hội, nhóm dành cho các "mẹ bỉm sữa", lắng nghe nhu cầu của các mẹ, từ đó rút ra định hướng cho việc kinh doanh của mình.
"Tôi thấy nhiều bà mẹ rất tiết kiệm, cả năm không sắm cho mình thỏi son mới nhưng có 3 thứ họ mua không tiếc tiền, đó là bỉm, sữa và quần áo cho con. Thấy vậy, tôi tấn công mạnh vào mảng này", Hằng nói.
Từ nguồn tài chính không ổn định, Thanh Hằng đã trả hết khoản nợ 300 triệu đồng. Tới nay, thu nhập của bà mẹ trẻ vào khoảng 50-60 triệu đồng mỗi tháng. Thanh Hằng cho rằng, nhiều người nhận thức chưa cặn kẽ về việc bán hàng online, thấy đó là dễ dàng. Thực chất, đây là công việc cần đầu tư chất xám và cả yếu tố may mắn. Trước khi bắt đầu, cần xác định rõ khách hàng mục tiêu, nguồn nhập sản phẩm uy tín và trang bị kiến thức marketing ở mức cơ bản.
"Tôi thấy nhiều mẹ bỉm sữa có mong muốn kinh doanh để cải thiện cuộc sống, nhưng làm chưa đúng cách. Trước khi bớt tiền sữa của con để nhập hàng, các mẹ cần hiểu rõ việc mình sắp làm. Kinh doanh là một bài toán khó, nhưng khi đã giải được, sẽ mang đến cho mình không chỉ tài chính mà còn cả sự tự hào", bà mẹ sinh năm 1992 chia sẻ.
Tác giả: Lam Trà
Nguồn tin: ngoisao.net