Sinh con sớm ở tuần thai thứ 37, Xuân Huyên (Đông Anh, Hà Nội) đổ lỗi vì... một cốc bia. Hành trình vượt cạn của bà mẹ trẻ thật đáng nhớ với vô vàn cảm xúc từ lo sợ tới căng thẳng, hồi hộp rồi vỡ òa trong hạnh phúc, nhưng khi chia sẻ câu chuyện này, Huyên cũng mong đó sẽ là bài học cho những bà mẹ mang bầu lần đầu bỡ ngỡ. Cô khuyên chị em bằng chính những điều mình đã trải qua rằng đừng vì muốn con có nước da trắng mà coi nhẹ việc uống bia và cần để ý tới màu sắc khí hư để biết tình trạng sức khỏe của con.
Xuân Huyên kể lại: "Tối 2/7, mình có uống một cốc bia, bình thường thì khỏe re nhưng hôm đó, do bị tụt huyết áp nên hai mẹ con say, cả buổi tối, thằng cu nằm im re, không hề đạp mẹ. Dù mình đi lại rồi vỗ, làm đủ mọi cách mà con không hồi âm. Cảm thấy không ổn, mình lôi chồng đi viện lúc nửa đêm mưa gió. Tới nơi siêu âm, đo monitor, khám trong thì con vẫn khỏe bình thường nhưng nước ối hơi ít (63 mm), mình bị bác sĩ mắng vì tội lo lắng thái quá. Bác sĩ nói nếu lo quá thì nằm viện theo dõi còn chồng mình bảo con vẫn bình thường nên về".
Trưa hôm sau, khi đi vệ sinh, Huyên thấy chút nước lỏng màu nâu mờ mờ chảy ra 2-3 lần mà nếu không để ý thì chẳng thấy vì bị lẫn trong nước tiểu. Khi đó, dù thấy lo nhưng con vẫn đạp bình thường nên cô tiếp tục theo dõi, không đến viện kiểm tra. Tuy vậy, trong lòng vẫn "nhấp nhổm" không yên, Huyên tìm đọc thông tin và hỏi mọi người xung quanh thì nhận được không ít câu trả lời khác nhau: dấu hiệu chuyển dạ, âm đạo bị sát nên ra máu, thuốc sát khuẩn do bác sĩ khám trong... Bà mẹ trẻ quyết định tin vào cảm giác của mình khi thấy con vẫn đạp, không có dịch rỉ ra, chỉ có tần suất đi tiểu nhiều hơn nên cô lại... "tung tăng đi cắt tóc".
Bé Bi, Đức Duy, được 8 ngày tuổi. |
Đến trưa ngày 5/7, Huyên thấy có chút nước màu "lơ lơ hồng" (phải soi đèn mới nhìn ra màu hồng) và hơi tức bụng nên tới viện siêu âm. Lúc này, cô thực sự lo lắng khi nghe bác sĩ thông báo: Con cạn ối, phải nhập viện. Nước ối lúc đó còn 55 mm nhưng Huyên không được nhập viện luôn mà vẫn phải ra phòng khám ngoài của bác sĩ chuyên khoa Sản của bệnh viện để kiểm tra và nghe tư vấn. Tới lúc ối còn 28 mm, bác sĩ dẫn cô vào làm thủ tục sinh mổ vì ối ít, mẹ không thể sinh thường được.
Khoảng thời gian chờ đợi đến giờ mổ mới thực sự căng thẳng với Huyên vì cô sợ không kịp cho con ra ngoài mà nước ối cứ cạn dần. Cả nhà hai bên gần chục người tới nhưng Huyên vẫn phải cười để trấn an mọi người. "Cơn ác mộng" của Huyên thực sự bắt đầu sau khi con ra đời. Cô kể: "Vào phòng mổ chưa đầy 15 phút, con đã được ra, con nặng 2,6 kg, người con bé và tím tái. Con khóc bé làm mình phải nghe tới lần thứ hai mới biết con đã chào đời. Con bị suy hô hấp, xuất hiện phân su, có dấu hiệu suy thai, khó thở nên khi mẹ nằm hồi sức thì con cũng cấp cứu trên khoa Nhi. Con phải truyền dịch, thở oxy, lấy máu, kẹp nhịp tim, tay con bé nên bác sĩ lấy ven hết tay nọ đến tay kia mới được, con thở khò khè và mỗi lần khóc thì đều tím tái người... làm cả nhà hốt hoảng".
Hai mẹ con bị tách nhau từ khi ra khỏi phòng mổ. Huyên được chuyển về khoa Sản tầng 4, con lại trên tầng 8 nên chẳng thể gặp nhau. Vết mổ đau, Huyên nằm một mình, 3 ngày sau, khi lò dò bước đi thì cô mới được gặp con. "Nhìn con bé mà kim to hơn tay, mình chỉ biết khóc thôi. Trộm vía mỗi ngày con càng ổn, ăn nhiều, hét khỏe. 5 ngày nằm viện, mình cứ tiêm và uống thuốc xong lại dò dò thang máy lên cho con ti. Con phát triển tốt nên được cho xuất viện sau đó", cô nhớ lại.
Hiện tại, bé Đức Duy, con trai của Huyên, đã được 2 tuần tuổi, ăn khỏe, ngủ ngon. Bà mẹ trẻ vô cùng hạnh phúc với điều này. Tuy vậy, khi nhớ lại những chuyện đã trải qua, Huyên vẫn bảo, đó là dấu ấn không thể quên và cô mong chẳng bao giờ con phải quay về nơi đó nữa.
Tác giả: Hà Nhi
Nguồn tin: ngoisao.net