Trong tỉnh

'Máu rừng' chảy giữa đại ngàn Pù Luông

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2019, tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông đã có 18 cây gỗ lớn bị đốn hạ. Có những gốc cây 3 người ôm không xuể…

Những bìa gỗ còn sót lại trong rừng Pù Luông.

Tàn sát rừng già

Cơn mưa rừng tháng 10 xuất hiện từ sáng sớm khiến chúng tôi ái ngại bởi để đến được điểm phá rừng, từ bản Kịt phải đi bộ chừng 9-10km, nhiều điểm phải cắt ngang những ngọn núi cao, đá tai mèo dựng đứng sắc như dao. Người dẫn đường khẳng định, đường đi vừa rất hiểm trở vừa dễ lạc. Trời mưa, ẩm ướt, lũ vắt rừng xuất hiện nhiều, tấn công người đi đường, nên chờ hôm trời nắng ráo mới đi. Thế nhưng, để tận mắt chứng kiến những công trường khai thác gỗ, chúng tôi quyết tâm lên đường.

Sau khoảng 3 giờ đi bộ đường rừng, vượt qua một thung lũng, hang sâu và nhiều dãy núi đá, qua những lối mòn chi chít hang đào vàng sâu hoắm, chúng tôi đến được nơi gỗ rừng bị đốn hạ.

Từ dưới chân núi, 2 gốc cây rừng còn trơ lại trên đỉnh núi. Nhiều bìa gỗ vứt ngổn ngang, có chiều dài trên dưới 3m, mùn cưa còn mới. Những gốc cây này có đường kính trên dưới 70-80cm. Hiện trường cho thấy, các đối tượng đã kịp vận chuyển gỗ khối ra khỏi rừng.

Những cây lớn bị đốn hạ rồi xẻ thành bìa.

Càng đi sâu vào rừng già, chúng tôi càng phát hiện thêm nhiều cây gỗ bị đốn hạ. Đi dưới chân núi có thể phát hiện được những gốc gỗ to như chiếc sập còn trơ lại trên đỉnh núi. Nhiều thân cây ngã rạp, cành lá còn nguyên, một số cây mới được đốn hạ cách đây chưa lâu. Người dẫn đường cho rằng, có thể sau khi chặt hạ, các đối tượng để gỗ khô rồi mới xẻ để tìm cách đưa ra khỏi rừng. Tại một số khoảnh rừng, chúng tôi phát hiện nhiều cây gỗ bị cưa đổ xếp chồng lên nhau.

Chúng tôi dừng lại trước một gốc gỗ bị đốn hạ 3 người ôm không xuể nằm ngay vách núi đá tai mèo. Thân gỗ này chu vi chỗ lớn nhất lên đến trên 4m, chiều dài gần 30m. Người dẫn đường ước lượng cây gỗ này phải có khối lượng lên đến gần 10m3 gỗ tròn nhưng không phân biệt được đây là loại gỗ gì.

Cảnh tượng rừng bị đốn hạ xuất hiện càng nhiều khi chúng tôi tiến sâu vào vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Phần lớn những cây gỗ này còn nguyên cành ngọn, một số được cưa đứt phần ngọn, trơ gốc…

Gỗ bị triệt hạ, nằm ngổn ngang.

Đến tầm 16 giờ chiều, chúng tôi thống kê được vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có 15 cây gỗ rừng bị đốn hạ. Người dẫn đường nói như đinh đóng cột: “Nếu còn thời gian, các anh đi hết khu rừng bản Kịt thì sẽ còn phát hiện thêm cây rừng bị chặt hạ nữa. Nhưng bây giờ phải ra khỏi rừng trước lúc màn đêm buông xuống”.

Hành trình về trung tâm bản Kịt của chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi trời mưa ngày càng lớn; trời tối dần và lũ vắt rừng cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng tôi “hạ cánh” an toàn ở bản Kịt khi đồng hồ đã điểm 19 giờ, bản làng chìm trong đêm tối.

An ninh rừng bị đe dọa nghiêm trọng

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích trên 17 nghìn ha, thuộc địa bàn 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa. Khu bảo tồn này nằm giáp ranh với các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình với chiều dài vùng giáp ranh trên 60km.

Khu vực rừng thuộc bản Kịt nằm sâu trong rừng già, nơi có nhiều cây gỗ lớn với hệ động thực vật hết sức phong phú. Những cây gỗ này mọc chênh vênh trên những ngọn núi cao, xung quanh là những dãy núi đá tai mèo. Con đường từ bản Kịt đi vào khu vực rừng chỉ có vài lối mòn hết sức hiểm trở. Để đi vào khu vực rừng bị đốn hạ, cách nhanh nhất là cắt qua những ngọn núi lớn, vịn vào cành cây, leo qua những mỏm đá tai mèo lởm chởm. Để vận chuyển gỗ qua những con đường này là hết sức khó khăn. Có lẽ vì lý do đó, đây là một trong những khu vực rừng còn giữ được vẻ hoang sơ với nhiều cây gỗ già cao hàng chục mét, gốc cây 3-4 người ôm không xuể.

Thế nhưng, nhìn cảnh tượng rừng bản Kịt bị tàn sát, người dân ở đây lo ngại, chẳng bao lâu nữa khu rừng này sẽ bị “rút sạch ruột”.

Các đối tượng chưa kịp tẩu tán.

Tuy xa khu dân cư bản Kịt và khu vực sinh sống của người dân huyện Bá Thước nhưng rừng bản Kịt lại nằm gần Quốc lộ 6 đi qua nhiều huyện của tỉnh Hòa Bình. Tại khu vực này, lâu nay không chỉ xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép mà hoạt động khai thác vàng thổ phỉ cũng diễn ra ngang nhiên. Người dân địa phương cho biết, trời mưa các đối tượng không khai thác nhưng hễ trời nắng ráo là hoạt động khai thác vàng ở vùng này lại diễn ra. Rừng bị đào bới, nhiều mỏ vàng sâu hoắm còn sót lại chẳng khác nào những chiếc bẫy đối với người dân và gia súc thả trong rừng.

Đại diện Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho rằng, đa phần các đối tượng khai thác xuất phát từ tỉnh Hòa Bình bởi từ khu vực này có thể đi ra những con đường lớn thuận tiện hơn. Vùng đệm vẫn xảy ra một số vụ phá rừng nhỏ lẻ, chủ yếu là người dân khai thác làm nhà, không mang tính chất thương mại.

Theo số liệu tổng hợp từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trong 9 tháng đầu năm 2019, tại khu vực rừng do Khu bảo tồn quản lý đã xảy ra 10 vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Trong đó có 7 vụ khai thác rừng trái phép. Cơ quan chức năng đã khởi tố 1 vụ án hình sự; xử lý hành chính 6 vụ, nộp vào ngân sách Nhà nước 42 triệu đồng, tịch thu 5 cưa xăng; tịch thu gỗ vô chủ 1 vụ. Ngoài ra, tại đây còn xảy ra 2 vụ vi phạm về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép và 1 vụ vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng. Tổng thiệt hại lâm sản tại rừng do các đối tượng vi phạm gây ra trong 9 tháng đầu năm 2019 là 18 cây gỗ các loại, với tổng khối lượng gần 43m3.

Có những gốc cây 3 người ôm không xuể.

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông cho rằng, đa phần những cây gỗ bị đốn hạ là loại gỗ nhóm VI-VII, giá trị thấp. Các đối tượng chặt hạ không vì mục đích lấy gỗ mà chủ yếu để lấy phong lan thảo quả (?).

“Hiện nay, lực lượng chúng tôi rất mỏng, mới chỉ có 23/33 định biên. Có những khu vực, một kiểm lâm của Khu bảo tồn phải đảm nhận khoảng 2 nghìn ha rừng, tức là gấp 4 lần so với quy định. Bình quân, mỗi tháng anh em phải đi tuần tra rừng 8-9 lần nhưng diện tích quá lớn, lực lượng không đủ nên vẫn để xảy ra những vụ phá rừng” – ông Phương phân trần.

Ngày 2/10/2019, tại sân vận động xã Lũng Cao, Tòa án nhân dân huyện Bá Thước đã mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản đối với bị cáo Ngần Văn Chuồn, trú tại xóm Nà Lụt, xã Pù Bin, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Sau khi khai thác trái phép 5 cây gỗ Côm Nhai nhóm VII, với khối lượng 34,76m3 Chuồn đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tại phiên tòa này, Tòa án nhân dân huyện Bá Thước đã tuyên phạt mức án 6 năm tù giam đối với bị cáo Chuồn.

Tác giả: VÕ VĂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok