Du lịch

Mặt tối đằng sau sự hào nhoáng của Dubai

150.000 công nhân sống tại khu Sonapur, ngoại ô Dubai phải trải qua cuộc sống khó khăn, với thời gian làm việc kéo dài và đồng lương ít ỏi. Sự thật được thể hiện qua bộ ảnh của Farhad Berahman, nhiếp ảnh gia Iran trong chuyến du lịch tới "miền đất hứa".


Farhad Berahman là nhiếp ảnh gia Iran đi du lịch đến Dubai năm 2014. Anh tới Dubai để tìm hiểu về cuộc sống, đất nước và con người nơi đây, với hy vọng đưa cả gia đình tới sinh sống tại “miền đất hứa”. Tuy nhiên, những gì anh nhìn thấy tại Sonapur, ngoại ô Dubai - mang ý nghĩa “Thành phố vàng” trong tiếng Hindi lại khiến anh hoàn toàn thất vọng. Sonapur là nơi ở của hơn 150.000 công nhân, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Trung Quốc.

Người lao động tụ tập trong những tòa nhà xuống cấp, sống trong điều kiện tồi tàn và tạm bợ. Trong hình là khu vực nấu ăn không đảm bảo vệ sinh.

Jahangir, 27 tuổi, đến từ Bangladesh, làm công việc dọn dẹp trong hơn 4 năm qua. Thu nhập của anh là 800 AED (khoảng 2,5 triệu đồng/tháng). Anh gửi hơn nửa số lương hàng tháng cho gia đình và sống với số tiền ít ỏi còn lại.

30 năm trước, Dubai chỉ là một vùng sa mạc khô cằn. Nhưng hiện nó đã phát triển nhanh chóng, trở thành trung tâm thương mại và điểm du lịch hàng đầu khu vực. Theo Farhad Berahman, có 3 kiểu người sống tại Dubai: giới thượng lưu sở hữu khối lượng vàng khổng lồ, người nước ngoài và cuối cùng là tầng lớp lao động cùng khổ - những người xây dựng nên thành phố.

Farhad cho biết hộ chiếu của nhiều công nhân bị giữ tại sân bay. Họ phải làm việc liên tục trong thời gian dài với mức lương hạn chế.

Công nhân làm việc 14 giờ/ngày dưới nhiệt độ lên tới 50 độ C. Trong khi đó, Dubai thường khuyến cáo du khách phương Tây không ở bên ngoài quá 5 phút.

Dubai là trung tâm của những khách sạn và tòa nhà sang trọng, nhưng đằng sau đó là cuộc sống vất vả, khốn khổ của hàng nghìn công nhân. “Theo luật Dubai, vào những ngày nhiệt độ quá cao, công nhân và người lao động sẽ được nghỉ để tránh tổn hại sức khỏe. Trên thực tế, chính phủ thường không bao giờ thông báo mức nhiệt chính xác”, Farhad nói.

“Du khách nước ngoài thường sẽ không bao giờ thấy góc khác của Dubai, nơi mà sự đau khổ luôn giấu sau hào quang lấp lánh. Tôi không được phép tiếp cận những khu vực này nên phải ngủ trong xe và chỉ ra ngoài khi trời tối. Nhưng tôi vẫn bị nhân viên an ninh bắt giữ và thẩm vấn. Tôi giả vờ mình là du khách lạc đường để được thả cho đi. Dù sao, tôi mong mọi người sẽ có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về mảnh đất vốn được mệnh danh là thiên đường”, nhiếp ảnh gia Iran chia sẻ.

Tác giả bài viết: Hải Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok