Kinh tế

Mặt bằng lãi suất chịu nhiều sức ép nên khó giảm

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu (ảnh) cho rằng, dù nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên, nhưng trước sức ép của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, mặt bằng lãi suất vẫn khó giảm.

Ông nhận định như thế nào về mặt bằng lãi suất trong nước hiện nay?

Theo tôi thấy, mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn ở mức cao, không có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân do các ngân hàng đang cần tăng vốn để đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn, quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nên nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất lên để hút vốn. Về lãi suất cho vay, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kêu gọi những ngân hàng lớn có vốn Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên, nhưng cũng chưa thấy có nhiều tác động lan tỏa trên toàn hệ thống. Vì thế, trong năm nay, mặt bằng lãi suất nếu không tăng thì sẽ giữ được ở mức như hiện tại, khó có thể giảm xuống.

Đâu là những nguyên nhân khiến lãi suất hiện nay khó giảm, thưa ông?

Có thể thấy, chi phí vốn của ngân hàng vẫn ở mức cao. Lãi suất cho vay và lãi suất huy động luôn liên quan chặt chẽ đến nhau. Nên các ngân hàng cũng phải duy trì biên độ lãi suất xấp xỉ ở ngưỡng 3% khiến mặt bằng lãi suất cho vay và huy động khó giảm. Hơn nữa, hoạt động của các ngân hàng phải có lợi nhuận, phải cân đối được nguồn vốn, cân bằng chi phí… nên dù muốn hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, muốn giúp DN có vốn kinh doanh thì các ngân hàng cũng phải tìm ra cách cân bằng, đặc biệt là phải có lợi nhuận.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có tác động tới toàn cầu, trong đó có Việt Nam cũng khiến thị trường tiền tệ chao đảo. Trong một vài ngày gần đây, đồng Nhân dân tệ đã mất giá ở ngưỡng hơn 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất sau hơn 10 năm. Điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng. Giá vàng cũng đang lên mức rất cao. Nếu NHNN cũng phá giá tiền đồng thì “bài toán” giảm lãi suất càng khó giải, nhất là nguy cơ tỷ giá tăng, giá vàng tăng sẽ khiến nhà đầu tư rút tiền để đầu cơ, “lướt sóng” USD và vàng.

Nếu các ngân hàng giảm được lãi suất, có nghĩa là NHNN đang thi hành chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo ông, điều này có tác động như thế nào đến nền kinh tế?

Nếu NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất để đẩy một lượng cung ứng tiền tệ vào lưu thông thì tất yếu sẽ dẫn tới tăng trưởng tín dụng ở mức cao, vì người dân và DN sẽ đi vay nhiều hơn. Tuy nhiên, tác động lớn nhất của việc này là sự ảnh hưởng tới lạm phát, trong khi năm 2019, Chính phủ luôn muốn giữ lạm phát ở dưới mức 4%. Nhưng năm nay, nhiều mặt hàng đã tăng giá nên phải dùng công cụ tiền tệ để kiềm chế lạm phát, lãi suất là một trong số đó.

Vì thế, tôi cho rằng đây là thời điểm NHNN đang “đi trên dây”. Nghĩa là NHNN vừa phải cố gắng trong việc cân bằng giữa cung ứng vốn cho DN và điều hành chính sách tiền tệ. Do đó, NHNN thời gian này cần điều hành chính sách tiền tệ một cách uyển chuyển, khôn khéo, dựa trên thực tế thị trường trong nước và quốc tế để có quyết sách phù hợp.

Giảm lãi suất cho vay luôn là mong mỏi của nhiều DN. Ảnh: ST.

Với những vấn đề nêu trên, làm thế nào để lãi suất có thể giảm được, thưa ông?

Như tôi đã nói, lãi suất chịu cả tác động của diễn biến thương mại, chính trị trên thế giới. Nên nếu thời gian tới, tình hình ổn định trở lại, các chỉ số thành phần như: Tỷ giá, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế… ổn định, nhất là lạm phát thấp thì lãi suất sẽ có nhiều cơ hội giảm xuống.

Ngoài ra, NHNN có thể sử dụng nhiều biện pháp để kiểm soát cung ứng tiền tệ, nhất là đối với cung tiền M1 (tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi thanh toán) và M2 (tổng phương tiện thanh toán). NHNN có thể giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu để hạn chế dư thừa cung ứng tiền tệ vận hành trong nền kinh tế; hoặc thông qua thị trường mở (OMO) để bán ra một lượng trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN nhằm hút dòng tiền vào nếu như lượng cung ứng tiền tệ dư thừa do việc giảm lãi suất mang lại. Tuy nhiên, mọi biện pháp đều cần sử dụng cẩn thận nếu không sẽ có những tác dụng ngược.

Xin cảm ơn ông!

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội: Giảm một đồng lãi suất cũng quý

Vừa qua, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên. Đây cũng là tín hiệu tốt để các DN chuyển hướng tập trung, đầu tư vào kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt, các lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu… Có được nguồn vốn DN sẽ đầu tư mạnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để việc hạ lãi suất lan tỏa sang các ngành nghề kinh doanh khác lại không phải là điều dễ dàng. Bởi nếu làm ồ ạt, không cẩn trọng sẽ rất dễ dẫn đến nợ xấu, gây áp lực về vốn cho các tổ chức tín dụng. Nhưng với các DN, một đồng lãi suất giảm đi cũng rất đáng quý, để từ đó, DN có thêm tiền lực tài chính, chủ động và mạnh dạn trong kinh doanh, đủ sức cạnh tranh trong môi trường kinh tế hội nhập hiện nay. Vì thế, các ngân hàng, cơ quan quản lý nên tiếp tục lên phương án, nghiên cứu những lĩnh vực, sản phẩm mà DN có thế mạnh, đảm bảo đầu vào – đầu ra sản phẩm, giúp DN có phương án kinh doanh khả thi, thì không những lãi suất có thể giảm thêm mà ngân hàng cũng “yên tâm” hơn khi bơm vốn cho DN.

Bà Trần Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Benew: Doanh nghiệp vẫn chịu được

Mặt bằng lãi suất thường tăng thêm vào vụ cuối năm do đây là thời điểm DN cần thêm vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, trả đơn hàng, ngân hàng cũng cần thêm vốn cho hoạt động. Vì thế, điều này mang tính chất chung toàn thị trường nhiều năm nay. Các DN đã quen với tình hình này, nên mức lãi suất như hiện nay vẫn có thể chịu được. Ngoài ra, để đáp ứng tình hình lãi suất này, chúng tôi đã luôn phải có biện pháp dự phòng, nếu cảm thấy rủi ro trong cả phương án vay vốn và kinh doanh thì phải cân nhắc, thậm chí dừng lại, tránh ảnh hưởng đến hoạt động chúng.

Tuy nhiên, các DN vẫn mong muốn lãi suất giảm thêm, khoảng 1-2% nữa là tốt nhất để tạo điều kiện cho DN về vốn. Hơn nữa, đợt giảm lãi suất vừa qua nhiều DN không được hưởng, thậm chí, để đáp ứng yêu cầu vay vốn, các DN phải vượt qua được nhiều điều kiện của ngân hàng nên vấn đề tiếp cận vốn còn nhiều rào cản.

Minh Chi (ghi)

Tác giả: Hương Dịu

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok