Hiện ông Hai (66 tuổi, trú xóm 8, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đi đâu cũng mang kè kè bên người chiếc thẻ thương binh không còn giá trị và giấy xuất ngũ cũ kỹ, tấm phim chụp mảnh đạn còn găm trong người.
Tưởng con hy sinh nên lập bàn thờ
Ông Hai vén áo lên cho thấy nhiều vết sẹo ở cạnh xương sống, tay, ngực. Trong thẻ thương binh cũ của ông Hai có ghi vết thương chính gồm: “6 vết thương cạnh sống sẹo 1 x 1 cm, 2 vết thương ngực sẹo 2 x 1 cm. Còn mảnh kim khí bằng hạt ngô ở nhũ mô phổi. 5 vết thương cánh tay phải sẹo 1 cm”.
Ông Hai là con thứ ba trong gia đình có ba anh em. Hơn 17 tuổi, đang học dở lớp bổ túc văn hóa thì ông nghỉ học, lên đường nhập ngũ vào ngày 10-10-1969. Lúc này anh của ông cũng đang chiến đấu ở chiến trường.
“Lúc đầu tôi vào Đoàn 212A thuộc Quân khu 4, đóng quân ở Thanh Hóa, huấn luyện rồi về đóng quân ở Ngã ba Tuần (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Năm 1970, tôi theo đồng đội hành quân sang Lào chiến đấu” - ông Hai kể.
Cũng theo ông Hai, năm 1972, ông tham gia chiến đấu ở khu vực núi Bà Đen (Tây Ninh) rồi bị trúng pháo kích của địch, ngất lịm. Đồng đội đã bươi đất cứu sống ông nhưng ông bị thương nặng. Sau đó, do điều kiện sức khỏe, ông đi theo tuyến sau rồi sang Đội 204, Đoàn 200, Quân khu 4. Mẹ ông ở nhà nghe tin không chính xác là ông đã hy sinh nên đã lập bàn thờ con.
Đến ngày 20-6-1976, sau khi đất nước hòa bình, ông Hai (lúc đó là trung sĩ, tiểu đội trưởng Đội 204, Đoàn 200) phục viên trở về quê nhà ở xã Nam Xuân. Ngày trở về, mẹ con, anh em gặp nhau, mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc. Bàn thờ ông Hai được hạ xuống.
|
|
Ông Trần Văn Hai (ảnh trên) với vết thương và mảnh đạn còn nằm trong người và thẻ thương binh của ông Trần Văn Hai không còn giá trị, ông bị mang tiếng là thương binh giả dù trên thẻ có ghi mảnh kim khí nằm ở nhũ mô phổi.
Mang “án oan” thương binh giả
Ông Hai cho biết: “Do trong phổi tôi có mảnh đạn nên mỗi khi trái gió trở trời tôi lại đau nhức. Vì trình độ học hành của tôi hạn chế nên không biết các thủ tục làm chế độ thương binh. Tôi cố gắng sống chung với vết thương, cày cấy nuôi các con. Năm 2003, một người bạn chiến đấu của tôi đang làm việc ở Quân khu 4 biết tôi bị thương nhưng không có chế độ thương binh đã hướng dẫn tôi làm hồ sơ xin xét thương binh.
Đến năm 2004, tôi được công nhận là thương binh hạng 4/4, thương tật 36%.
Tôi từng là bạn cùng đơn vị và biết Hai có bị thương khi chiến đấu. Sau năm 2000, tôi đang công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, gặp lại bạn hỏi thăm bạn mới biết bạn chưa được hưởng chế độ thương binh. Tôi bảo bạn làm hồ sơ hưởng chế độ. Sau đó, thanh tra phát hiện trong hồ sơ do Hai khai không khớp tên đơn vị khi bị thương. Họ không hướng dẫn chỉnh sửa bổ sung mà cắt luôn chế độ thương binh. Phải chi họ hướng dẫn làm lại thì Hai đâu khổ sở đến tận bây giờ”. Ông NGUYỄN HUY HƯỚNG,Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đàn |
Đến năm 2009, do con trai tôi có triệu chứng như bị chất độc da cam, đầu óc như người thần kinh, có mâu thuẫn với con trai của một người trong xã. Người này làm đơn kiện cho rằng tôi và 21 người khác là thương binh giả. Đoàn thanh tra về làm việc. Lúc đó nhiều người bảo tôi bỏ tiền “chạy”. Tôi nghĩ tôi là thương binh thật, mảnh đạn còn găm trong người, sức ép đạn khiến đầu óc hay đau nhức sao phải “chạy”. Kết quả họ cắt chế độ thương binh của tôi. Từ đó tôi mang tiếng là thương binh giả”.
Theo hồ sơ, ngày 7-7-2009, Chính ủy Quân khu 4 ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận thương binh của ông Trần Văn Hai. Lý do “ông Hai sử dụng giấy chứng nhận bị thương giả để lập hồ sơ hưởng chế độ thương binh”. “Bao năm qua tôi đã đi hỏi và xin bổ sung hồ sơ, chứng minh tôi là thương binh thật nhưng không được chấp nhận” - ông Hai khóc, nói.
Làm hồ sơ để được công nhận lại
Hồ sơ của ông Hai trước đây do bộ phận chính sách của Quân khu 4 làm. Khi thanh tra kiểm tra thấy trong hồ sơ ông Hai kê khai bị thương ở đơn vị A nhưng kiểm tra đơn vị A không có tên ông Hai trong danh sách bị thương nên họ cắt chế độ.
Nếu ông Hai có đủ hồ sơ bị thương, mảnh kim khí đang nằm trong người, ông Hai có thể làm lại hồ sơ từ đầu để được công nhận lại. Cái quan trọng là ông Hai tìm lại đơn vị cũ xem trong đơn vị có danh sách ông bị thương hay không. Khi có danh sách bị thương ở đơn vị cũ mà có đơn vị chứng nhận thì làm hồ sơ mới cho đi giám định lại. Nếu không có danh sách lưu bị thương trong đơn vị thì nói thật rất khó để được công nhận thương binh. Ông NGUYỄN BẰNG TOÀN, |
Tác giả: ĐẮC LAM
Nguồn tin: Báo VietNamNet