Thương binh Lê Đình Dần là một thợ sửa chữa điện dân dụng giỏi
Để có được sự tin tưởng của người dân gần và xa như vậy, năm 1981 sau khi từ quân ngũ trở về, thấy bà con trong vùng mỗi khi đồ vật gia đình hư hỏng đều phải đưa lên tận Thị Trấn để sửa. Nên sẵn có thời gian trong quân ngũ được học sửa chữa vô tuyến điện, ông đã quyết tâm tìm hiểu và học tập để làm nghề sửa chữa điện dân dụng với mục đích vừa giúp đỡ bà con đỡ phải đưa đi xa, vừa có thêm thu nhập cho gia đình.
Cuộc sống phát triển, các vật dụng điện gia đình cũng ngày một hiện đại hơn, để sữa chữa được ông lại phải chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm để sửa được tất cả các đồ dùng người dân đưa đến. Từ chỗ các quạt điện, mô tơ, nồi cơm điện bình thường, nay các đồ vật có tính năng cao hơn ông đều sửa chữa được. Cộng thêm sự nhiệt tình, giá cả phải chăng nên ngày càng có đông người hơn đưa đồ đến sửa chữa. Không chỉ sữa chữa mà còn có rất nhiều người đến xin học. Tính đến nay, ông đã dạy cho gần 50 người không chỉ ở Đô Lương mà tới tận các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, những người được ông dạy cho đều về có việc làm, thu nhập ổn định.
Sau khi tham gia quân ngũ trở về ông là thương binh hạng 3 và bệnh binh hạng 2
Sinh năm 1950, năm 20 tuổi ông tham gia quân ngũ ở đơn vị Đoàn 22A QK4. Sau huấn luyện ông về đơn vị Sư đoàn 341A tham gia chiến đấu ở các chiến trường Miền Nam. Tháng tư, năm 1975, trong một trận đánh ở thị xã Xuân Lộc, Long Khánh, nay là tỉnh Đồng Nai, ông bị thương phải chuyển về tuyến sau. Miền Nam giải phóng, năm 1981, ông về địa phương với thương binh hạng 3, và bệnh binh hạng 2. Cuộc sống khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm, ông đã không chỉ trở thành người thợ giỏi sửa chữa nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình mà còn dạy nghề, tạo việc làm thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, hàng năm gia đình ông đều đạt gia đình văn hoá tiêu biểu.
Có nhiều người đến xin ông dạy nghề
Với hơn 35 năm làm nghề, giờ đây, ông Lê Đình Dần đã trở thành một người thầy và là người thợ giỏi để giúp nhiều người dân trong và ngoài huyện Đô Lương sửa chữa các đồ dùng sinh hoạt, sản xuất và tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Ông Lê Đình Dần thực sự là một thương binh “Tàn nhưng không phế”.
Tác giả bài viết: Sỹ Bắc