Số hóa

Mạng xã hội âm nhạc Keeng: Có "coi trời bằng vung"?

Được tập đoàn Viettel mạnh tay đầu tư, mạng xã hội âm nhạc Keeng đựợc nhà mạng này rầm rộ quảng cáo trong thời gian gần đây. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng đến nay Keeng đã có hơn 1 triệu thành viên và vẫn không ngừng mở rộng, đặc biệt là trên các thuê bao di động tại Việt Nam…

Trang nghe nhạc online Keeng.vn có đơn vị chủ quản là công ty Truyền thông Viettel (Viettel media) hiện đang áp dụng mô hình kinh doanh nhạc số khá phổ biến hiện nay là miễn phí nghe nhạc, xem phim online nhưng tính cước phí tải nhạc xuống. Cụ thể, khi khách hàng tải app Keeng về máy điện thoại dùng thuê bao của Viettel, sẽ nhận được một mã xác thực và tự động đăng nhập. Gói cơ bản KMAX để nghe nhạc, xem phim online không giới hạn, miễn phí 3G/4G trên app Keeng sẽ gia hạn theo từng tuần với mức cước 5.000 đồng/tuần. Để tải nhạc chất lượng cao không giới hạn, khách hàng chỉ cần nâng cấp lên gói VIP với mức cước 10.000 đồng/tuần.

Nếu người dùng muốn tải bài hát lẻ hoặc album nhạc thì sẽ thực hiện trả thêm phí tùy theo “mức giá cụ thể từng bài, do đối tác cung cấp, có bản quyền hoặc không có bán quyền”. Như vậy, số lượng bài hát, album tải xuống càng nhiều thì người dùng sẽ phải trả số tiền càng lớn.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là mặc dù được chăm sóc về nội dung rất kỹ lưỡng nhưng không biết do vô tình hay hữu ý mà trong kho tài nguyên âm nhạc của mạng xã hội đình đám này lại chứa một số lượng không nhỏ những bài hát được sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam, có những ca từ được cho là nhạy cảm cũng như những bài hát nằm trong diện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo phản ánh của độc giả báo Người Đưa Tin, PV đã thực hiện tải app Keeng từ CH Play nhằm kiểm chứng điều này. Để sử dụng được tính năng tải nhạc về, người dùng bắt buộc phải sử dụng một gói cước internet của nhà mạng Viettel. Với mức phí trung bình khoảng 1.000 đồng, PV đã có thể tải xuống máy điện thoại được một bài hát bất kỳ trong kho nhạc số của Keeng.

Công bằng mà nói, kho tài nguyên âm nhạc của Keeng khá “khủng” với vô số các thể loại âm nhạc từ Tây tới Ta. Tuy nhiên, khi thực hiện tìm kiếm tên một số bài hát mà bạn đọc phản ánh như: “Quê hương bỏ lại”, “Chuyến đò vỹ tuyến”, “Xuân tha hương, xuân lạc xứ”… là những bài hát được cho là mang yếu tố chính trị, khá nhạy cảm hiện nay lại khá dễ dàng và nhanh chóng trong ứng dụng này.

Khá dễ dàng tìm kiếm những bài hát có nội dung nhạy cảm về chính trị, chưa được phép phổ biến trên Keeng.

Đáng lưu ý, không chỉ là con số một, hai bài mà có dễ đến hàng chục ca khúc thuộc diện nằm trong “BlackLits” có nội dung phản động, lồng ghép hình ảnh ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa như “Lá thư trần thế”, “Chúng mình 3 đứa”… xuất hiện nhan nhản tại đây. Và chỉ đơn giản với một cú kích chuột, những bài hát này sẽ “ngay tắp lự” tải về máy điện thoại của khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Chưa kể đến những bài hát có nội dung uỷ mị, phác hoạ về đất nước với một màu đen tối, xám xịt nhưng lại có số người nghe thuộc dạng "khủng" như: “Chiều Tây đô”, “Quê hương bỏ lại”, “Tâm sự người hát bài quê hương”, “Thư Xuân ba viết cho con”… Càng tìm kiếm, PV càng thấy sốc trước số lượng bài hát có nội dung tương tự.

Mức phí tải mỗi bài hát tại Keeng vào khoảng 1.000 đồng/bài.

Chưa bao giờ, việc tìm kiếm, sử dụng và tải xuống những bài hát chưa được cấp phép, thậm chí có nội dung nhạy cảm này lại dễ dàng đến thế thông qua Keeng. Điều này đã dấy lên những câu hỏi về quản lý nội dung cũng như vấn đề bản quyền âm nhạc trên ứng dụng này.

Không hiểu, khi nghe những ca từ đậm mùi hận thù và kích động như: “Người Việt Nam đang lạc loài”, “Người Việt Nam đau khổ”, “Ghé hỏi cỏ cây, cỏ cây khóc, gió than van/ Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển”, “Việt Nam ơi! Ta nhiều đêm thức trắng/ Thương nhớ về đất mẹ hận thiên thu”, “đi quân dịch là thương nòi giống”, “Ôi ngút cao hận thù, xuân xuân này, xuân lạc xứ lưu vong”… khi đến với độc giả hàng ngày, nhất là lớp trẻ sẽ có những tác động như thế nào?

Câu hỏi này, chắc hẳn Viettel Media, đơn vị chủ quản của Keeng.vn cũng quá khó để trả lời.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: mạng xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok