Du lịch

Mắm ong - thức quà ngon nức tiếng của người Cà Mau

Vào những ngày cuối năm, người dân U Minh Hạ (Cà Mau) bận rộn với những mẻ mắm ong để biếu bà con, bạn bè hay bán như một thứ quà Tết.

Ong mật ở U Minh Hạ (Cà Mau) đem về nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình bản xứ nhờ bán mật và chế biến các món ăn từ ong non. Giới thầy "ăn ong" cho biết khi ổ ong được thợ lấy phần mật bán, riêng tàng chứa ong non họ chế biến thành món mắm ong.
Phan Văn Rí, chủ cơ sở sản xuất mắm ong Hai Ngò (thị trấn U Minh, huyện U Minh), cho biết trung bình mỗi năm ông bán ra thị trường khoảng một tấn mắm ong có giá 80.000 đồng/kg, khoảng một nửa trong số đó được bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Tổ ong sau khi được lấy phần mật, còn lại tàng ong chứa ong non và nhộng được chế biến thành các món ăn, trong đó có món mắm ong là đặc sản.
Khi lấy tổ ong về, người ta cắt miếng vừa phải rồi thả vào nồi nước sôi. Lúc này, người làm phải đảo đều vừa để ong chín mà không nát, vừa làm phần sáp tan chảy.
Người ta vớt ong chín ra, để thật ráo nước. Sau đó, nêm muối và để ong vào hộp đậy kín đem phơi nắng. Khi muối ngấm đều, họ đổ ong ra trộn với thính cho có mùi thơm và đổ lại vào hộp. Hộp được gài chặt nắp bằng cọng dừa tươi chuốt mỏng và phơi nắng khoảng 3 - 4 ngày tới khi ong ngả màu vàng nhạt là ăn được. Mắm ong là món phải ăn hết trong vòng một tuần lễ. Tuy nhiên, người ta có thể giữ tới một tháng nếu để trong ngăn mát tủ lạnh.
Người dân địa phương cho biết ong non thường được dùng làm gỏi, nướng lá mướp trước khi có người thử làm mắm ong. Mắm ong ăn lạ miệng và ngon nên nhiều người bắt chước làm theo.
Mắm ong thường được ăn kèm chuối chát, khóm, rau ngò ôm.
Mắm trộn với cơm trắng cho vị ngọt và béo.
Mắm ong cũng được gói trong lá mướp rồi đem nướng trên lửa than, tạo hương vị độc đáo.
Ngoài gói lá mướp, mắm ong còn được gói chung với bông súng non rồi nướng than có hương vị đặc biệt.

Tác giả bài viết: Phúc Hưng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok