Cựu Thủ tướng Najib Razak ra giải trình tại trụ sở Ủy ban chống tham nhũng của Malaysia (MACC) ở thủ đô hành chính Putrajaya hôm 24-5 - Ảnh: REUTERS |
Tân thủ tướng Mahathir Mohamad cho thấy ông không nói suông về chuyện chống tham nhũng. Không lâu sau khi nắm quyền, ông đã cho thực hiện cuộc điều tra về vụ bê bối trị giá nhiều tỉ USD tại quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Hãng tin Bernama của Malaysia hôm nay (25-6) cho biết đã có vụ bắt giữ đầu tiên liên quan cuộc điều tra đầy khó khăn này.
Nhân vật bị bắt là trợ lý của ông Najib từ năm 2009. Vị cựu quan chức 42 tuổi này bị bắt vào tối 24-6 sau khi giải trình tại trụ sở Ủy ban chống tham nhũng của Malaysia (MACC) đặt ở thủ đô hành chính Putrajaya.
Cũng theo Bernama, tuần trước, tòa án đã chuẩn thuận cho các quan chức chống tham nhũng được câu lưu viên cựu trợ lý của ông Najib trong một tuần để hỗ trợ các cuộc điều tra của họ nhắm vào quỹ 1MDB.
Sự thất bại của thủ tướng Najib trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 vừa qua được cho là xuất phát từ sự tức giận của cử tri về vụ bê bối thụt két tham nhũng trong quỹ 1MDB và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Cựu thủ tướng Najib Razak - người thành lập 1MDB, đã liên tục phủ nhận hành vi sai trái liên quan những mất mát trong quỹ đầu tư lớn này.
Quỹ 1MDB là quỹ đầu tư do Thủ tướng Malaysia Najib Razak sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế - xã hội thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, quỹ này là trung tâm của vụ bê bối thất thoát 3,7 tỉ USD, được cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc... |
Bảng giới thiệu Quĩ 1MDB ở thủ đô Kuala Lumpur - Ảnh: REUTERS |
Trong khi đó, chính quyền của tân thủ tướng 92 tuổi kiên quyết theo đuổi cuộc điều tra và đã đẩy nó nhanh đến mức chóng mặt.
Hôm 11-6, báo New Straits Times của Malaysia cho biết lần đầu tiên danh tính của các nhân vật chủ chốt trong vụ bê bối liên quan Quỹ đầu tư 1Malaysia (1MDB) được hé lộ.
Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) thậm chí đã công bố ảnh của Tan Kim Loong, 40 tuổi, còn được biết đến với tên gọi Eric Tan, cùng 3 cá nhân khác là những đối tượng đang bị truy nã để phục vụ điều tra vụ Quỹ 1MDB.
Ba cá nhân này gồm Tang Keng Chee, hay còn gọi là Casey Tang, 53 tuổi; Geh Choh Heng, 47 tuổi; và Loo Ai Swan, hay Jasmine Loo, 45 tuổi, cựu nhân viên 1MDB.
Ông Tan được xác định là bên ký kết hàng loạt tài khoản ngân hàng tại Singapore, qua đó tiến hành rửa tiền từ quỹ 1MDB. Các tài khoản này là tài khoản tại ngân hàng RBS Coutts và Falcon.
Cùng với nhà tài phiệt Low Taek Jho, thường được gọi là Jho Low, Tan Kim Loong bị chính quyền truy nã từ tháng 10-2016.
Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định ưu tiên của chính phủ là tập trung đối phó với nạn tham nhũng và quyết tâm thu hồi khoản tiền thất thoát từ quỹ 1MDB.
Chính phủ Malaysia cũng tiến hành điều tra lại vụ 1MDB và thành lập một ủy ban riêng nhằm xem xét các vấn đề liên quan quỹ này.
Hôm 7-6, Ủy ban MACC đã phát lệnh truy nã ông Jho Low và ông Nik Faisal Ariff Kamil, một giám đốc của Công ty SRC International, chi nhánh cũ của quỹ 1MDB.
Nhà chức trách cũng đang chuẩn bị lệnh bắt giữ cựu Giám đốc ngân hàng Goldman Sachs, Roger Ng, và cựu Chủ tịch 1MDB Shahrol Halmi.
Các nhà điều tra đang liên lạc với luật sư của ông Jho Low và giới chức một số nước để đưa có thể đưa ông này về Malaysia chất vấn.
Ông Jho Low không có vai trò chính thức trong quỹ 1MDB mà chỉ phụ trách tham vấn đầu tư và đàm phán các thỏa thuận.
MACC đã gửi thông báo yêu cầu hai ông Jho Low và Nik Faisal liên lạc với nhà chức trách để hỗ trợ điều tra. Thông qua luật sư của mình, ông Jho Low khẳng định sẽ hợp tác.
Tác giả: HOÀNG DUY LONG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ