Chính phủ Malaysia vừa đưa ra bản dự thảo về một đạo luật chống giả mạo thông tin. Từ góc nhìn của các nhà phân tích, động thái này nhằm làm giảm bớt sức ép bởi làn sóng chỉ trích nhằm vào thủ tướng Najib Razak trước cuộc bầu cử quốc gia được tổ chức vào cuối năm.
Đạo luật này nghiêm cấm việc tung ra các thông tin giả mạo, sai lệch toàn bộ hoặc một phần dù dưới bất kỳ hình thức nào, thậm chí cả ở dạng gợi ý về tư tưởng. Tất cả những người đưa thông tin gây bất lợi hoặc làm tổn hại đến Malaysia đều sẽ bị xử lý, kể cả công dân nước ngoài. Người vi phạm sẽ phải ngồi tù 10 năm hoặc nộp số tiền phạt tối thiểu 100.000 USD.
|
Đạo luật của Malaysia không nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Những người chỉ trích cho rằng điều này sẽ ngăn chặn các thông tin liên quan đến vụ bê bối 1MDB của thủ tướng Najib. Một quan chức Malaysia cho biết, bất kỳ thông tin nào liên quan đến 1MDB không được xác nhận bởi chính quyền thì đều bị coi là thông tin gây sai lệch.
Malaysia không phải là quốc gia đầu tiên quan tâm đến việc chống giả mạo thông tin. Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon từng đề xuất một dự luật giúp người dân có thể dễ dàng kiện người khác về hành vi cung cấp thông tin giả mạo.
Tại Philipines, tổng thống Durtete cũng đã ký một văn bản sửa đổi và mở rộng một bộ luật có tính chất tương tự. Tổng thống Mỹ Donal Trump của Mỹ thậm chí còn kêu gọi mở rộng phạm vi đạo luật về việc bôi nhọ người khác bằng các thông tin giả mạo.
Đáp lại động thái trên, tổ chức Ân xá Thế giới đã lên án đề nghị của Malaysia vì cho rằng điều này làm giảm khả năng tiếp cận thông tin và trao đổi những ý tưởng chính đáng. Amnesty Internation thậm chí còn lên án mạnh mẽ hơn, đồng thời dấy lên những lo ngại chính phủ Malaysia sử dụng thuật ngữ “tin giả mạo” để ngăn cản các nhà phê bình.
Tác giả: Tuấn Nghĩa
Nguồn tin: Báo VietNamNet