Nhân ái

'Lưng còng' nuôi cháu vào đại học

Tấm lưng còng, đôi chân đã mỏi nhưng bà Nguyệt vẫn tảo tần bươn chải lo cho cô cháu gái thiếu thốn tình thương của cha mẹ.

Bà Đoàn Thị Nguyệt và cháu gái Lê Thu Mai.


Nhiều năm qua, nhờ luống rau trong vườn nhà, bà đã nuôi cháu gái chạm đến giấc mơ đại học.

Ngoại nghèo bán rau nuôi cháu

Buổi chiều một ngày tháng 8, trời mưa nặng hạt không ngớt, bà Đoàn Thị Nguyệt (72 tuổi), lòng chợt lo âu. Gần một tuần qua trời mưa liên tục, bà Nguyệt không trồng thêm được luống rau, khó tăng nguồn thu để lo chi phí cho chặng đường đại học sắp tới của cháu gái. Nhiều năm nay, bà Nguyệt một tay chăm bẵm đứa cháu ngoại Lê Thu Mai tội nghiệp, thiếu tình thương của cả cha lẫn mẹ.

Căn nhà cấp 4 lụp xụp của hai bà cháu nằm trong con hẻm nhỏ ở tiểu khu Thượng Quý, thị trấn Hà Trung (Hà Trung, Thanh Hóa). Mái nhà được lợp tạm bằng fibro xi măng, tường nhà nham nhở các mảng xi măng tô trát những chỗ thấm nước.

“Tôi tính vay mượn sửa sang lại mấy chỗ hư hỏng, nhưng giờ cháu vào đại học chắc việc sửa chữa nhà phải tạm gác lại”, bà Nguyệt nói và tay chỉ về phía bức tường bong tróc nham nhở. Ở độ tuổi ngoài 70, với tấm lưng đã còng nhưng bà đang phải lo toan bươn chải, để cháu gái được viết tiếp ước mơ của mình.

Theo lời kể, bố Mai qua đời vì bạo bệnh khi em mới tròn 3 tháng tuổi. Sau cái chết của chồng, mất đi chỗ dựa tinh thần, dù đau buồn nhưng mẹ em vẫn chăm chỉ tảo tần mò cua bắt ốc chăm lo cho hai bà cháu. Tuy nhiên, cuộc sống ở quê khốn khó, mẹ Mai lại không có công việc ổn định nên bà ngoại đã bồng cháu theo con gái vào một tỉnh phía Nam sinh sống.

“Khi Mai được 5 tuổi, tôi đưa cháu về quê để thuận tiện cho việc học hành, còn mẹ cháu vẫn ở lại miền Nam làm thuê, hàng tháng gửi tiền về chu cấp cho tôi nuôi cháu. Đến khi con bé Mai vào cấp 2 thì mẹ nó biệt vô âm tín”, bà Nguyệt bùi ngùi tâm sự.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Mai luôn nỗ lực vươn lên trong học tập.

Kể từ ngày đó, bà Nguyệt một mình cáng đáng, lo toan cho cuộc sống của hai bà cháu, không nề hà tuổi tác, hễ ai thuê gì thì bà làm nấy. Lúc rảnh, bà trồng thêm mớ rau trong vườn, đến cữ thu hoạch thì hái đem ra chợ bán lấy tiền đong gạo, thêm thắt nuôi cháu học hành. Có thời điểm, bà còn nuôi thêm con chó hay đàn gà để có một khoản nho nhỏ lo đóng học cho cháu. Tuy nhiên, mấy năm nay bà Nguyệt không thể gắng gượng nữa vì tuổi cao, bệnh tật triền miên.

“Tôi cũng mừng vì Mai rất ngoan, chịu khó học hành. Nhiều hôm, thấy cháu miệt mài học đến tận khuya. Nhìn ra xung quanh, càng nghĩ càng thương!”, bà Nguyệt bộc bạch.

Dù thiếu thốn tình thương của cả cha lẫn mẹ nhưng Mai luôn được bà thương yêu, hết lòng chăm chút. “Ngoại vừa làm cha, làm mẹ chăm bẵm em suốt những năm tháng qua. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng bà không để em thiếu thốn cái ăn, cái mặc”, nữ sinh trải lòng.

Khi nhắc tới người mẹ của mình, đôi mắt nữ sinh chợt buồn, nhìn xa xăm. Nhiều năm trước, Mai từng cầu xin mẹ đừng đi làm ăn xa nữa nhưng đáp lại lời thỉnh cầu ấy chỉ là sự im bặt của người mẹ. “Lớn lên, sự oán trách trong em nguôi ngoai dần và không còn nữa. Bởi, cuộc đời của mẹ đã quá khổ vì chồng mất sớm, mẹ cũng còn tương lai ở phía trước”, Mai giãi bày.

Căn nhà cấp 4 lụp xụp của hai bà cháu.

Sẵn sàng cầm cố trích lục đất cho cháu đi học

Lê Thu Mai từng có ý định bỏ học giữa chừng vì không muốn bà phải khó nhọc, lao lực vì mình. Thế nhưng, được bà và thầy cô động viên, nữ sinh lại tiếp tục đến trường tìm “con chữ”. Không phụ lòng bà, suốt 3 năm THPT, Mai đều giữ vị trí trong tốp đầu của lớp về thành tích học tập. Nữ sinh còn xuất sắc giành giải Khuyến khích môn Ngữ văn, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12.

Ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Mai đạt 27,25 điểm ở 3 môn khối D1, với Toán: 8,6; Ngữ văn: 9,25 và Tiếng Anh được 9,4 điểm. Hôm biết điểm thi, Mai vừa vui vừa buồn. Bởi, vui vì kết quả thi tốt nhưng buồn vì đỗ đại học rồi tiền đâu để học tiếp khi ngoại tuổi đã cao, sức khỏe ngày một sa sút.

“Lúc đầu, em không định báo điểm thi của mình vì sợ bà áp lực, phải lo nghĩ nhiều. Ít ngày sau, thấy các bạn đều thông báo điểm thi cho gia đình nên khi bà hỏi, em cũng không giấu được nữa”, Mai bộc bạch.

Bà Nguyệt cho biết, bằng mọi cách sẽ tiếp tục lo cho cháu vào đại học. “Căng lắm, tôi sẽ cầm cố trích lục giấy tờ đất để cho cháu học hành”, bà Nguyệt tâm sự. Hiện, Mai đã đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm dạy Toán bằng tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Em chọn ngành này vì đây là đam mê của bản thân và cũng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình, giảm một phần gánh nặng cho bà. Khi vào đại học, em sẽ đi làm thêm, kiếm tiền trang trải cho việc học hành”, Mai giãi bày.

Tính toán là thế nhưng khuôn mặt nữ sinh không giấu được sự lo lắng, nhất là khi sức khỏe của bà ngoại ngày một yếu. “Em rất sợ mình sẽ không thành công nhanh chóng để báo hiếu bà. Em chỉ mong sao bà luôn khỏe mạnh, để em còn được phụng dưỡng chăm sóc bà”, nữ sinh bộc bạch.

Ông Phạm Văn Ngọc - Trưởng tiểu khu Thượng Quý (thị trấn Hà Trung) - cho biết: “Gia đình bà Nguyệt thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Hiện bà Nguyệt tuổi đã cao, mọi thu nhập chỉ trông vào những mớ rau trồng hái được trong vườn nhà rồi hái bán mới có thêm đồng ra, đồng vào. Về phía chính quyền địa phương cũng miễn giảm các khoản đóng góp cho hai bà cháu. Vào các dịp lễ, tết chúng tôi cũng có quà vào thăm hỏi, động viên”.

Mọi thông tin và sự hỗ trợ nữ sinh Lê Thu Mai vui lòng liên hệ Tòa soạn Báo GD&TĐ: Số 15 - Hai Bà Trưng - Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội. Điện thoại: 024 3936 9800.

Hoặc: Văn phòng đại diện thường trú Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ. Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Tên TK: Văn phòng đại diện thường trú Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ. Số TK: 111601684999. Ngân hàng Vietinbank.

Tác giả: Lường Toán

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok