Sau khi báo GD&TĐ phản ánh, Công ty TNHH BĐS Hải Thanh đã bỏ tên "Công ty" thay bằng "Văn phòng". (Ảnh: NT) |
Nhầm "trái đắng"
Trước đó, như GD&TĐ đã thông tin, hộ ông Nguyễn Đăng Thành (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) biến đất vườn lâm nghiệp thành đất ở và đất trồng cây lâu năm, thế nhưng vẫn được UBND huyện Hoằng Hoá cấp trích lục. Bản thân ông Thành thừa nhận thuê Công ty Hải Thanh (đóng trên địa bàn xã Hoằng Tiến, Hoằng Hoá) làm hồ sơ.
Liên quan đến đơn vị này, nhiều hộ dân phản ánh không làm được trích lục nhưng vẫn giữ tiền.
Đăng ký hộ kinh doanh nhưng lại trưng biển Công ty TNHH. (Ảnh: NT) |
Theo phản ánh của chị T.T.L. (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá), gia đình có mảnh đất khoảng 500m2 do trước đây bố mẹ khai hoang lập hoá nhưng chưa có trích lục.
Năm 2020, gia đình chị L. thuê đơn vị Hải Thanh làm trích lục với giá 500 triệu đồng, đặt trước 350 triệu đồng. Tuy nhiên, chờ lâu không có kết quả, chị L. đòi lại tiền nhưng không được trả hết.
“Họ thoả thuận với gia đình làm trọn gói thì hết 500 triệu đồng và gia đình tôi đã đặt trước 350 triệu đồng. Tuy nhiên, do lâu quá nên gia đình yêu cầu trả lại tiền. Thế nhưng, năm ngoái bà Liên chỉ trả lại 300 triệu đồng và nói do biết tôi khó khăn quá nên lấy tiền của nhà trả lại chứ tiền tôi đóng đã mang nộp cho Nhà nước hết rồi. Lâu nay, gia đình có gọi điện nhắn tin xin nhận số tiền còn lại nhưng không thấy bà này trả lời”, chị L. cho biết.
Người dân nộp tiền thuê bà Liên làm trích lục. (Ảnh: NT) |
Cũng theo chị L., điều vô lý là dù làm trích lục cho gia đình nhưng bản thân gia đình chị chưa được ký vào bất kỳ hồ sơ nào.
Cũng tương tự gia đình chị L., gia đình anh L.V.B. (thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường) cũng cho biết, gia đình có mảnh đất khai hoang từ đời ông nhưng chưa có trích lục. Năm 2020, gia đình thuê đơn vị Hải Thanh làm trích lục với giá 150 triệu đồng. Đã đóng tiền 2 lần, mỗi lần 50 triệu đồng.
“Do thấy lâu không có sổ nên gia đình đã đòi lại tiền. Bà Liên có trả 2 lần, 1 lần 50 triệu đồng, 1 lần 20 triệu đồng, còn 30 triệu đồng nhưng đến nay vẫn không trả dù gia đình liên tục hỏi”, anh B. kể lại.
Bản thân anh B. cũng cho biết, không được ký vào bất kỳ giấy tờ gì được gọi là hồ sơ đề nghị cấp trích lục.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài hộ anh B., chị L. còn một số hộ khác trên địa bàn huyện Hoằng Hoá cũng tình trạng tương tự.
Có dấu hiệu lừa đảo?
Liên quan đến vấn đề trên, theo luật sư Trần Đại Xuân, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Thanh Hoá, bà Nguyễn Thị Liên đã và đang hoạt động theo Hộ kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, theo mô hình doanh nghiệp. Đăng ký và hoạt động theo nghị định số 01/2021, Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.
Cũng theo luật sư Trần Đại Xuân, căn cứ theo điều 7 của nghị định này, bà Liên buộc phải kê khai ngành nghề hoạt động trên Giấy đăng ký và hoạt động kinh doanh đúng với ngành nghề đã đăng ký đó. Hành vi nhận tiền của các hộ dân để làm quyền sử dụng đất cho các hộ dân, không được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời cũng không thuộc nhóm ngành được phép kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Liên đề nghị bổ sung ngành nghề kinh doanh nhưng không được UBND huyện Hoằng Hoá đồng ý. (Ảnh: NT) |
“Hành vi của bà Liên là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Biết rõ mình không có chức năng kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực cấp quyền sử dụng đất, biết rõ hoạt động cấp quyền sử dụng đất thuộc về cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước mà vẫn làm", luật sư Trần Đại Xuân chỉ rõ.
Theo luật sư Trần Đại Xuân thì những hành vi như dùng các phương pháp, thủ đoạn, tạo niềm tin cho người dân bằng cách cung cấp các tài liệu như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những ngành nghề liên quan về mặt đất đai, cung cấp các văn bằng, tín chỉ qua đào tạo về đấu giá, hứa hẹn, khất lần… và không làm được như đã thoả thuận, làm phương hại đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân và tổ chức thì đây chính là dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với PV GD&TĐ, ông Lê Trọng Trường, Trưởng Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Hoằng Hoá cho biết, đơn vị này không phải là công ty cũng không phải văn phòng mà là hộ kinh doanh cá thể.
“Bà Nguyễn Thị Liên là người đại diện giấy phép kinh doanh hộ cá thể. Mới đây, bà này có lên xin thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Trong đó, bổ sung thêm ngành nghề dịch vụ hỗ trợ pháp lý về mua bán, trao đổi, tặng, cho, cấp mới. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý vì không đúng quy định mà vẫn chỉ cấp lại với ngành nghề môi giới bất động sản”, ông Trường thông tin.
Cũng theo ông Trường, đăng ký hộ kinh doanh cá thể mà treo biển công ty hay Văn phòng đều không đúng. Tới đây, Phòng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ biển này.
UBND huyện Hoằng Hoá vừa có kết luận gửi UBND tỉnh Thanh Hoá về nội dung đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Bê (thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá). Huyện này cho biết, sau khi giao phòng TN&MT phối hợp với UBND xã Hoằng Phụ kiểm tra, xác minh thì phát hiện có sai sót trong quá trình lập và thẩm định hồ sơ cấp GCNQSD đất, cấp đổi GCNQSD đất đối với hộ bà Nguyễn Thị Nam và ông Nguyễn Đăng Thành. Hiện nay, các hộ đã thống nhất gửi đơn ra Tòa án để thực hiện việc thu hồi và hủy bỏ GCNQSD đất đã cấp theo quy định. Đáng nói, nội dung tố cáo hai cán bộ thuộc Phòng TN&MT lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và việc để xảy ra sai phạm trong việc cấp trích lục cho hai hộ dân trên cũng không được huyện này làm rõ. |
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn